Truyền thông khoa học: Động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) tại các nước phát triển rất được coi trọng, bởi nó là động lực, điều kiện tiên quyết tạo sự thành công trong việc đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về KH&CN và đổi mới sáng tạo do Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN (Bộ Khoa học và công nghệ) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Ghi nhận vai trò của hoạt động truyền thông về KH&CN, bà Cao Thị Vân Điềm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP) nhấn mạnh, truyền thông có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các doanh nghiệp nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học, giới thiệu công nghệ của mình, mà nó còn mang đến sự ủng hộ cho hoạt động KH&CN. "Sự tác động của truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về KH&CN và tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội" - bà Cao Thị Vân Điềm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, thực tế cho thấy, truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học đề cập những kết quả nghiên cứu của mình hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà còn hướng đến việc tạo nhận sự ủng hộ của công chúng đối với lĩnh vực KH&CN.

Qua truyền thông, nhiều ngành KH&CN gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng... “Công tác truyền thông đã và đang khuyến khích các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà khoa học lao động sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu lĩnh vực KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Nguyễn Thành Lợi khẳng định.

Đồng thời, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, để truyền thông KH&CN đúng, trúng và đạt hiệu quả, các nhà báo, phóng viên cần có hiểu chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành những vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Cơ quan quản lý KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình, hoạt động thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi cả chuyên môn và nghiệp vụ báo chí. Mặt khác, cần có kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên về KH&CN, đào tạo về nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ khoa học, thậm chí có cả những khóa đào tạo trong nước và nước ngoài; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở truyền thông chuyên nghiệp.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truyen-thong-khoa-hoc-dong-luc-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-130349.html