Truyền thống là động lực để hướng đến khát vọng tương lai

Hòa chung dòng chảy văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc, từ xa xưa, miền đất biên thùy Lào Cai đã có truyền thống kiên cường, bất khuất trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân các dân tộc Lào Cai cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và đời sống. Đó là nền tảng, gốc rễ, là động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai hôm nay bồi đắp ý chí, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, trở thành tỉnh phát triển ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

Xa xưa, tỉnh Lào Cai đã được định danh là “Lão Nhai”, nghĩa là phố cổ, ý nói về vùng đất có giao lưu thương mại sôi động, sầm uất, vị trí địa lý thuận lợi “trên bến dưới thuyền”. Thời nhà Nguyễn, Lào Cai thuộc tỉnh Hưng Hóa, gồm châu Văn Bàn và Thủy Vỹ, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đặt Lào Cai là Đạo Quan Binh số 4. Cách đây tròn 115 năm, ngày 12 tháng 7 năm 1907, toàn quyền Đông Dương là Paul Beau (Pôn Bau) ra Nghị định bãi bỏ đạo Quan Binh số 4 Lao Kay, chuyển địa bàn sang chế độ cai trị dân sự để thành lập tỉnh Lao Kay. Ngày 23/7/1907, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định bổ nhiệm ông Pierre Emerrich làm Tỉnh trưởng Lao Kay (Lão Nhai). Khi đó, tỉnh có 2 châu là Thủy Vỹ và Văn Bàn, có 4 trung tâm hành chính là Mương Khuông, Pa Kha, Phong To, Ba Xat và đặc khu Cha Pa.

Quy hoạch khoa học giúp Lào Cai trở thành trung tâm kết nối vùng.

Quy hoạch khoa học giúp Lào Cai trở thành trung tâm kết nối vùng.

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, ngày 5/3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chính phủ kháng chiến, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, ngày 11/11/1950 tỉnh Lào Cai hoàn toàn giải phóng. Khi đó, tỉnh Lào Cai là đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm có 6 huyện (Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Phong Thổ, Sa Pa, Bắc Hà) và thị xã Lào Cai. Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa V đã ban hành Quyết nghị chia tách và hợp nhất một số tỉnh, trong đó các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái. Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, dân số khoảng 470.000 người, gồm 9 huyện, 1 thị xã, với 180 xã, phường, thị trấn. Sau những lần điều chỉnh, chia tách, sáp nhập để phù hợp với thực tiễn phát triển ở từng thời điểm, đến nay tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với 152 xã, phường, thị trấn, dân số gần 762 nghìn người, thuộc 25 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 66,2%.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tham dự hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới Tây Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc).

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tham dự hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới Tây Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc).

Trong dòng lịch sử 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và hơn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã phát huy truyền thống, khơi nguồn khát vọng, vượt khó, sáng tạo vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

Về kinh tế, sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Lào Cai là vùng hoang tàn, đổ nát, là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất của cả nước, thuộc diện “vùng trũng”, “lõi nghèo” của quốc gia. Nhưng, bằng ý chí, khát vọng vươn lên, đến nay Lào Cai đã trở thành tỉnh phát triển nhất vùng Tây Bắc, là tỉnh khá của Vùng trung du và miền núi Phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, bình quân trong 30 năm (từ 1991 đến 2021) đạt trên 10%/năm. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người của Lào Cai đạt gần 83 triệu đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm mạnh (từ 70,5% năm 1991 xuống còn 14,14% năm 2021); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 9.939 tỷ đồng (cao gấp 478 lần so với năm 1991). Trong cơ cấu nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp địa phương duy trì mức tăng trưởng khá, ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát triển mạnh. Việc xây dựng nông thôn mới, kiến tạo những vùng quê đáng sống có nhiều khởi sắc. Đến nay đã có 62/127 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; trên 95% hộ dân được sử dụng hạ tầng viễn thông, điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; Lào Cai đang dần trở thành trung tâm luyện kim, sản xuất hóa chất, phân bón lớn của cả nước. Thương mại, dịch vụ, lợi thế về cửa khẩu, du lịch được khai thác hiệu quả; năm 2019 (khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt trên 3,8 tỷ USD, đón 5,1 triệu lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp cho tỉnh Lào Cai.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp cho tỉnh Lào Cai.

Hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai được đầu tư từng bước đồng bộ và ngày càng hiện đại. Khu hành chính mới của tỉnh, Khu Kinh tế cửa khẩu và Khu Du lịch quốc gia Sa Pa là những điển hình về sự thành công trong công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng đô thị. Lào Cai cũng tham gia tích cực vào phát triển hạ tầng chiến lược, những công trình, dự án có sức lan tỏa lớn như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hiện tuyến giao thông này đang được ví như “trục xương sống” của khu vực Tây Bắc và một phần các tỉnh Đông Bắc. Dự án xây dựng sân bay Sa Pa cũng sẽ là một công trình có sức ảnh hưởng tương tự, không chỉ của riêng Lào Cai, mà phục vụ sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau nhiều năm chăm lo phát triển sự nghiệp trồng người, Lào Cai đang thu về những mùa quả ngọt. Chất lượng giáo dục, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều phát triển vượt bậc, Lào Cai có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, hiện 100% xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 89%; số bác sỹ và số giường bệnh/1 vạn dân cao hơn mức bình quân của cả nước. Công tác giảm nghèo đạt được thành công nổi bật, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 5,2% (theo tiêu chí cũ); Lào Cai cũng là địa phương được đánh giá thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ. Công tác Quốc phòng - An ninh, đảm bảo chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu, hợp tác quốc tế được tăng cường.

Sản xuất công nghiệp là một trong bốn trụ cột phát triển của Lào Cai.

Sản xuất công nghiệp là một trong bốn trụ cột phát triển của Lào Cai.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác xây dựng Đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, rõ nét, quyết liệt, số lượng và chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao, nhờ đó mà niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tăng cường, củng cố. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, chế độ dân chủ được bảo đảm, quyền làm chủ của Nhân dân được mở rộng; chính quyền các cấp hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Nhìn lại chặng đường 115 năm thành lập tỉnh, gần 40 năm đất nước đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lào Cai có quyền để tự hào về những thành quả lớn đã đạt được, đồng thời cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm quý qua các thời kỳ cách mạng. Đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc cùng đồng lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Bài học về phát huy tiềm năng, sức mạnh nội sinh, sự chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và tranh thủ khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương, của các tỉnh bạn. Lào Cai đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với thực tiễn của địa phương trong từng giai đoạn. Từ đó phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, phân cấp mạnh mẽ, lựa chọn những lĩnh vực thế mạnh làm khâu đột phá tăng trưởng chiến lược.

Kỷ niệm 115 năm ngày thành lập tỉnh cũng là thời điểm Lào Cai bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đến năm 2025 Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước”. Cùng với đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ tỉnh đã xác định quan điểm, định hướng và không gian phát triển đến năm 2050: “Phát triển 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng và 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Đảng bộ tỉnh đã thống nhất ý chí, định hướng phát triển dựa trên 7 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Huy động nguồn lực tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Tăng cường quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất, tạo nguồn lực bền vững cho đầu tư, phát triển; Phát triển nguồn nhân lực; Quy hoạch, sắp xếp dân cư nông thôn; Chủ động củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ then chốt; Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng Đảng và chính quyền các cấp. Đảng bộ tỉnh cũng lựa chọn 2 nhiệm vụ đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Nhiệm vụ đột phá thứ 2 là phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó tập trung nguồn lực cho Khu du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà, khu du lịch Y Tý (huyện Bát Xát); thúc đẩy tăng trưởng xuất - nhập khẩu, thương mại. Để hiện thực hóa các mục tiêu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành 18 Đề án trọng tâm; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hàng chục Nghị quyết chuyên đề; chỉ đạo thực hiện việc phân cấp, đổi mới các lĩnh vực nhằm khơi thông điểm nghẽn, khai thác tối đa nguồn lực từ xã hội.

Du lịch tiếp tục là mũi nhọn của Lào Cai.

Du lịch tiếp tục là mũi nhọn của Lào Cai.

Với hoài bão lớn, khát vọng phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lào Cai đã và đang viết nên bản hùng ca với những chiến công, thành tựu mới. Thế và lực của tỉnh ngày càng lớn mạnh, khẳng định rõ vai trò, vị trí trung tâm kết nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kết nối Đông - Tây giữa các tỉnh biên giới phía Bắc. Lào Cai sẽ tiếp tục phát triển bứt phá, xứng đáng là một “Cực tăng trưởng” và “Trung tâm kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và các nước Asean”, điểm sáng của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, góp phần mở ra không gian phát triển rộng lớn cho vùng và cả nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358338-truyen-thong-la-dong-luc-de-huong-den-khat-vong-tuong-lai