Truyền thông Mexico đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam

Chuyến công tác Brasil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Rio de Janeiro từ ngày 6 đến 7-7-2025 với tư cách quốc gia đối tác là minh chứng rõ ràng cho vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là nhận định của tờ Regeneracíon, cơ quan truyền thông chính luận của Đảng Phong trào Tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền tại Mexico, trong bài viết nhan đề 'Việt Nam tiếp tục tiến bước' ca ngợi sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua.

Bài báo Việt Nam tiếp tục tiến bước đăng trên tờ Regeneracíon - cơ quan truyền thông chính luận của Đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền của Mexico. Ảnh: Chụp màn hình - Phương Lan - PV TTXVN tại Mexico.

Bài báo Việt Nam tiếp tục tiến bước đăng trên tờ Regeneracíon - cơ quan truyền thông chính luận của Đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền của Mexico. Ảnh: Chụp màn hình - Phương Lan - PV TTXVN tại Mexico.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, trong bài viết, tác giả Pedro Gellert cho rằng, Việt Nam không chỉ được các nước biết đến với những chiến thắng vang dội trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, mà còn được ngưỡng mộ vì những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong thời đại mới. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được đảm bảo và duy trì thặng dư thương mại. Dự báo đến năm 2029, quốc gia châu Á này sẽ nằm trong tốp 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Cũng theo bài báo, phát triển kinh tế chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phục vụ cho sự thịnh vượng và công bằng xã hội. Việt Nam, dưới định hướng xã hội chủ nghĩa, đã nỗ lực cải thiện đời sống người dân và đạt được những kết quả rõ rệt trong lĩnh vực này. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 4.711 USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống chỉ còn 1,93% so với mức 60% hồi năm 1986. Trong báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024, Việt Nam đứng ở vị trí 54/143, tăng 11 bậc so với năm 2023.

Về giáo dục, tỷ lệ người lớn biết chữ đạt xấp xỉ 99%. Từ năm 2014, Việt Nam đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở và số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần so với giai đoạn đầu đổi mới. Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 94,1% vào năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ưu tiên các chính sách về dân tộc, tôn giáo, giới tính, trẻ em và người cao tuổi. Các chương trình bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển phụ nữ cũng là những ưu tiên trong chính sách quốc gia.

Bài báo ca ngợi, với 53 dân tộc thiểu số, Việt Nam không ngừng nỗ lực nâng cao đời sống của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa thông qua các chính sách hỗ trợ văn hóa, giáo dục ngôn ngữ dân tộc, đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, đào tạo nghề và cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Với các thành tựu trên, Việt Nam hiện đứng thứ 54/166 quốc gia theo chỉ số Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), phản ánh sự tiến bộ toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tác giả nhận định, trong bối cảnh tình hình toàn cầu phân cực sâu sắc và khó lường, các nước đang phát triển đứng trước những cơ hội mới, song cũng có nhiều thách thức hơn. Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối phát triển độc lập, chủ động, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Để đạt được thành công trong kỷ nguyên phát triển mới này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã vạch ra 4 trục hành động chiến lược chính cho sự phát triển quốc gia. Mặc dù mỗi trục tập trung vào một lĩnh vực trọng tâm nhưng có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau.

Bài báo nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt trình độ công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo vượt mức trung bình thế giới, trong đó một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, và đặc biệt phấn đấu nằm trong tốp 3 ASEAN và tốp 5 châu Á về năng lực công nghệ và chuyển đổi số…

Tác giả bài viết nhận định sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 không chỉ thể hiện vai trò mới và ngày càng quan trọng, nổi bật của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là dịp để quốc gia châu Á này thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia thành viên BRICS, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Với những thành tựu to lớn đạt được, Việt Nam thực sự đang tiến bước vững chắc và đầy tự tin vào tương lai.

TTXVN

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-gioi/202507/truyen-thong-mexico-danh-gia-cao-su-phat-trien-cua-viet-nam-8af1672/