Theo thông tin của tờ Washington Post (Mỹ) ra ngày 24/5 cho biết, do Nga tăng cường can thiệp điện tử trên chiến trường, nhiều loại vũ khí công nghệ cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine không còn phát huy được lợi thế tấn công chính xác.
Ngoài ra, còn có sĩ quan Quân đội Ukraine phàn nàn rằng, hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine, có thời kỳ từng “làm mưa, làm gió”, đã thất bại hoàn toàn.
Một báo cáo đánh giá nội bộ bí mật của Ukraine mà tờ The Washington Post có được cho thấy, nhiều loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh được Ukraine sử dụng không thể chống lại công nghệ gây nhiễu của Nga.
Do ảnh hưởng của tác chiến điện tử Nga, dẫn đến khả năng tấn công chính xác của các loại vũ khí trên bị giảm đáng kể, buộc Ukraine phải ngừng sử dụng một số loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Các quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cũng xác nhận thông tin này.
Truyền thông Mỹ nhận định, khả năng vô hiệu hóa vũ khí tấn công chính xác của Nga đã có tác động lớn đến Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Quân đội Nga giành lại thế chủ động và tiến lên trên chiến trường.
Theo báo cáo đánh giá bí mật nội bộ của Ukraine, vào năm 2023, tỷ lệ bắn trúng của đạn pháo dẫn đường Excalibur do Quân đội Ukraine sử dụng đã giảm mạnh trong vòng vài tháng và xác suất cuối cùng bắn trúng mục tiêu là dưới 10%. Cuối cùng, Quân đội Ukraine buộc phải từ bỏ việc sử dụng loại đạn đắt đỏ mà không hiệu quả này.
Báo cáo đánh giá cho biết: "Phiên bản hiện tại của đạn pháo 'Excalibur' đã mất đi tiềm năng", và kinh nghiệm chiến trường đã chứng minh rằng, nó không còn khả năng tấn công chính xác - ít nhất là cho đến khi Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất Mỹ giải quyết được vấn đề. Sau khi Ukraine báo cáo vấn đề này, Mỹ đã ngừng cung cấp đạn pháo Excalibur vì tỷ lệ thất bại quá cao.
Ngoài đạn pháo dẫn đường Excalibur, hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS từng được Quân đội Ukraine coi là “hỏa thần” để tấn công sâu vào phía sau chiến tuyến của Nga, cũng đã mất đi uy lực ban đầu.
Trong năm đầu tiên xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống bệ phóng tên lửa HIMARS tấn công chính xác các kho đạn và trụ sở của Nga ở phía sau chiến tuyến.
Nhưng đến năm thứ hai, mọi chuyện đã thay đổi. Một sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine cho biết: “Mọi chuyện đã kết thúc, Nga đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử và HIMARS đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn”.
Một chỉ huy tiểu đoàn Quân đội Ukraine giấu tên cho biết, trong một chiến dịch quân sự năm 2023, ông phát hiện thông qua UAV trinh sát thấy rằng, không một tên lửa nào do hệ thống phóng tên lửa HIMARS phóng thành công vào mục tiêu.
Tờ Washington Post cho rằng, để chống lại sự can thiệp điện tử của Nga, Ukraine và Mỹ đang tìm kiếm nhiều giải pháp. Một phương pháp đã được Ukraine chứng minh hiệu quả đó là, trước tiên sử dụng UAV để phá hủy thiết bị gây nhiễu gần đó khi thực hiện nhiệm vụ tấn công chính xác. Nhưng điều này sẽ khiến các hoạt động quân sự trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, Mỹ và các nước phương Tây khác cũng đang cung cấp cho Ukraine các loại đạn dẫn đường mới để tăng cường khả năng tấn công tầm xa. Đồng thời tích cực thay đổi các thông số kỹ thuật của đạn dẫn đường, để nâng cao khả năng chống nhiễu điện từ.
Ví dụ, truyền thông Mỹ cho biết, tên lửa chiến thuật mới nhất của Quân đội do Mỹ cung cấp có tầm bắn hơn 300 km và không dễ bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga can thiệp. Hay tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp sử dụng nhiều loại hệ thống dẫn đường khác nhau, khiến các hệ thống tác chiến điện tử của Nga khó can thiệp.
Cuối bài viết, giới chức Ukraine thừa nhận, mặc dù Mỹ, Anh và các nước khác đã cung cấp vũ khí mới, nhưng hiệu quả của những vũ khí này sẽ giảm dần trong năm tới. Một quan chức Ukraine thứ hai nói: “Người Nga sẽ học cách đối phó với nó”. (Nguồn ảnh: CNN, ABC News, Washingtonpost).
Tiến Minh (Theo Wasingtonpost)