Truyền thông – nâng cao tỷ lệ tiêm chủng
Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc tiêm chủng cho trẻ. Thời gian qua, ngành y tế triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh truyền thông, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.
Tiêm phòng tại phòng tiêm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tại phòng tiêm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chị Trần Ngân Hà (Quảng Xương) đưa con đến tiêm chủng tâm sự: Qua các kênh thông tin, truyền thông, tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với sức khỏe của trẻ. Ngoài những mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), tôi còn lựa chọn thêm các mũi tiêm dịch vụ như viêm tai giữa, viêm gan A, cúm... để con được phòng bệnh tốt hơn. Hay như chị Hoàng Thị Mai, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) chia sẻ: Thời gian đầu có con tôi chưa hiểu rõ về việc tiêm chủng, nhưng được các y, bác sĩ tại trạm y tế tư vấn, hướng dẫn các mũi tiêm, thời gian tiêm cũng như tác dụng cụ thể của từng loại vắc-xin nên tôi đã nắm bắt rõ việc tiêm phòng cho con. Đồng thời, mỗi lần đưa con đi tiêm chủng, nhân viên y tế đều tư vấn và hẹn lịch tiêm chủng các mũi tiếp theo, nhờ đó sức khỏe của con phát triển tốt.
Qua khảo sát thực tế, hầu hết các mẹ đều đã chủ động nắm được những vắc-xin quan trọng cho bé và lịch các mũi tiêm cho bé qua các hình thức tuyên truyền như: loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp, tờ rơi... Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của đội ngũ nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể như tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại địa phương, nhân viên y tế tại trạm đã thường xuyên rà soát các đối tượng trong diện tham gia tiêm chủng và đến các gia đình có con nhỏ dưới 1 tuổi để thông báo và tuyên truyền nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò của tiêm chủng đối với an toàn sức khỏe cho con em. Đồng thời, tổ chức viết bài truyền thông về vai trò của tiêm chủng đối với trẻ phát trên loa truyền thanh để Nhân dân nắm được. Kết quả, hàng năm, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trên địa bàn thị trấn luôn đạt trên 95%; hầu hết các bệnh truyền nhiễm được khống chế hiệu quả.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, chương trình TCMR, tiêm chủng thường xuyên đã được triển khai đến 100% các trạm y tế trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng được khuyến khích thành lập và hoạt động hiệu quả. Cùng với việc tăng thêm về số lượng, chất lượng tiêm chủng được các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm. Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để nâng cao nhận thức cũng như tạo niềm tin cho người dân trong công tác tiêm chủng, trung tâm đã chủ động đủ nguồn vắc-xin, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của trẻ em và người dân. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của tiêm chủng. Đồng thời rà soát, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vắc-xin, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn từ tuyến tỉnh đến cơ sở về quản lý, thực hành tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Trong các ngày tổ chức tiêm chủng, trung tâm đã phân công cán bộ tăng cường giám sát các trạm y tế thực hiện quy trình tiêm chủng; phối hợp với bệnh viện đa khoa các huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc chống sốc phản vệ và số điện thoại đường dây nóng để cán bộ y tế có mặt kịp thời hỗ trợ xử lý khi có trường hợp phản ứng xảy ra sau khi tiêm chủng. Nhờ đó, tỷ lệ người dân đến các cơ sở y tế tiêm chủng hàng năm luôn tăng. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng năm 2019 đạt 66.685 trẻ, tăng 656 trẻ so với năm 2018.
Việc nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng cũng như tỷ lệ người tham gia tiêm chủng đã góp phần phòng tránh hiệu quả các dịch, bệnh. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm quy trình an toàn tiêm chủng và giám sát phản ứng sau tiêm. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được ưu tiên, nhất là tuyên truyền về các loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình TCMR. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với công tác tiêm chủng, góp phần phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.