Truyền thông - 'Nét bút' định hình dư luận ở Biển Đông

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, lần đầu tiên các nhà báo được mời tham gia với tư cách là người trong cuộc chứ không phải người đưa tin.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Biển Đông. (Ảnh: Trung Hiếu)

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Biển Đông. (Ảnh: Trung Hiếu)

Việc mời một số nhà báo quốc tế tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” cho thấy vai trò và tiếng nói quan trọng của truyền thông đến tình hình Biển Đông, có thể ví như "những nét bút" giúp định hình quan điểm của công chúng ở Biển Đông.

Trong phiên thảo luận ngày 16/11 về vai trò của truyền thông trong việc định hình quan điểm của công chúng ở Biển Đông, các đại biểu cho rằng, sự cạnh tranh định hình dư luận này đã diễn ra ở phạm vi rộng, với nhiều hình thức khác nhau.

Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông gắn với “giấc mộng Trung Hoa”. Tuy nhiên, việc một số cơ quan truyền thông đưa tin từ góc độ chủ nghĩa dân túy có thể làm sai lệch thông tin, có hại cho việc thúc đẩy hợp tác quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việc cố tình che giấu thông tin và cung cấp thông tin sai lệch có thể phản tác dụng với chính chính phủ các nước.

Các học giả cũng khuyến nghị công chúng cần tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống và đối chiếu các nguồn thông tin với nhau để có được góc nhìn khoa học, chân thực nhất có thể về một vấn đề chính trị nóng bỏng như Biển Đông.

Nhiều học giả cũng cho rằng truyền thông ở Việt Nam rất cởi mở, thể hiện qua việc có nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đặt trụ sở tại Việt Nam và sự hợp tác, thẳng thắn của các cơ quan chính phủ Việt Nam đối với các nhà báo quốc tế. Việc mời các nhà báo, cơ quan truyền thông quốc tế với tư cách người tham dự Hội thảo là một minh chứng rõ ràng nhất về sự cởi mở cho truyền thông trong vấn đề Biển Đông ở Việt Nam.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức trong hai ngày 16-17/11.

Hôm nay (17/11), Hội thảo sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai với 4 phiên thảo luận chính gồm: Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; Nguồn cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển; Nghiên cứu khoa học biển; Khai thác tài nguyên biển bền vững và Phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truyen-thong-net-but-dinh-hinh-du-luan-o-bien-dong-129324.html