Truyền thông nói Mỹ đã do thám Bộ Quốc phòng Đức từ lâu
Tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ có thể đã dùng tấn công mạng hoặc ngăn chặn email của Bộ Quốc phòng Đức.
Báo Die Zeit và đài truyền hình công cộng ARD của Đức đồng loạt dẫn các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đang do thám Bộ Quốc phòng Đức thông qua các phương tiện điện tử.
Các phương tiện truyền thông Đức cho hay, tài liệu bị rò rỉ mới nhất đã nêu chi tiết thông tin mà tình báo Mỹ thu thập được về các cuộc đàm phán giữa quân đội Đức và Trung Quốc hồi tháng 2 năm nay.
Cụ thể, phía Đức đã từ chối hợp tác sâu hơn với các đối tác Trung Quốc của họ và kêu gọi Bắc Kinh trở nên “minh bạch” hơn.
Die Zeit và ARD cho biết họ coi tài liệu rò rỉ là "xác thực" dù Washington không chính thức xác nhận. Các nguồn tin cũng cho biết chính quyền Đức đã chính thức thông báo cho Đại sứ quán Mỹ về cuộc gặp được mô tả trong tài liệu.
Dù phía Đức có thể "không lấy làm lạ" về việc phía Mỹ theo dõi các hành động ở Bộ Quốc phòng Đức, nhưng cách thức phía Mỹ thu thập thông tin đã khiến Berlin lo ngại, truyền thông Đức nói.
Tài liệu 'tuyệt mật' mang nhãn hiệu 'tình báo tín hiệu', cho biết thông tin chứa trong đó được lấy thông qua giám sát điện tử.
Điều này có nghĩa là tình báo Mỹ có thể đã can thiệp đến hệ thống email của Bộ Quốc phòng Đức, cũng có thể đã tấn công mạng các hệ thống công nghệ thông tin ở bộ này.
Bộ Quốc phòng Đức hiện đã phủ nhận các thông tin mà truyền thông nước này công bố. Berlin khẳng định các thông tin về cuộc gặp nói trên là một cuộc thảo luận bí mật về tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Vì thông tin này được chúng tôi chia sẻ trực tiếp với Mỹ, nên những nghi ngờ về hoạt động gián điệp là không có cơ sở" - thông báo từ Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ.
Tuy nhiên, giải thích từ Bộ Quốc phòng Đức không giải thích về các ký hiệu "Tình báo tín hiệu" mà tài liệu bị rò rỉ đã đánh dấu.
Theo Der Spiegel, cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) và Cơ quan phản gián quân đội Đức (MAD) đã có thời gian điều tra xem liệu Mỹ có thực sự do thám Bộ Quốc phòng vào tháng 2/2023 hay không.
Tuy nhiên, thay vì đưa ra cáo buộc công khai, các quan chức tình báo Đức đã quyết định tiếp cận một cách kín đáo với các đối tác Mỹ của họ để làm rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên Washington bị cáo buộc do thám các đồng minh của mình. Những hoạt động như vậy lần đầu tiên được công bố vào năm 2013, phần lớn nhờ vào Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Trong số tin tức đó, điện thoại di động riêng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị giám sát.