Truyền thống quê hương nâng bước trưởng thành

Những ngày diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940), tại đình Long Hưng, xã Long Hưng (Châu Thành, Tiền Giang), tòa án nhân dân cách mạng đầu tiên ở nước ta được thành lập đã xét xử bọn tay sai ác ôn. Nơi đây hiện trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trải qua chiến tranh, đình Long Hưng nhiều lần bị bom đạn giặc tàn phá và đã được nhân dân đóng góp vật liệu sửa chữa. Năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện lịch sử này, tỉnh Tiền Giang đã khánh thành Khu di tích đình Long Hưng rộng 16ha, để người dân đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong đình có đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập, tưởng niệm 614 liệt sĩ-những người con ưu tú của Long Hưng. Đây cũng là nơi đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong đêm khởi nghĩa.

Trong số cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 8, Quân khu 9 về tham quan, học tập truyền thống tại đây, Thượng úy Trần Minh Chí, Đại đội trưởng Đại đội cối 82mm, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9 là một trong những người con của quê hương Châu Thành. Anh thổ lộ: “Những hình ảnh về tinh thần quật cường, chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước luôn in sâu trong lòng tôi, là động lực thôi thúc tôi lựa chọn con đường binh nghiệp”.

Được biết, ngoài Thượng úy Trần Minh Chí, trong đơn vị còn có 13 cán bộ, chiến sĩ quê ở Tiền Giang, đều là những cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản qua các trường trong quân đội, trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo Thiếu tá Lê Vĩnh Viễn, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9, phát huy truyền thống yêu nước, hai năm qua, huyện Châu Thành có hơn 470 thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị quân đội và công an. Trong đó có 250 con em của địa phương nhập ngũ vào Trung đoàn 9. Quá trình học tập, rèn luyện, các chiến sĩ luôn phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng đơn vị. Nhiều đồng chí được biểu dương, khen thưởng và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Mang niềm tự hào về cái nôi của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ hơn 80 năm trước, nhiều con em xã Long Hưng nói riêng, huyện Châu Thành nói chung đã và đang viết tiếp truyền thống hào hùng của quê hương, thể hiện tinh thần yêu nước bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, sức trẻ xây dựng đơn vị, xây dựng quê hương...

HỒ KIÊN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/truyen-thong-que-huong-nang-buoc-truong-thanh-649179