Truyền thông quốc tế: Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN

Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin phản ánh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã khép lại thành công với việc ký kết một thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, trong đó đặt Đông Nam Á ở vị trí trung tâm.

Truyền thông quốc tế đặc biệt ấn tượng với vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: Reuters)

Truyền thông quốc tế đặc biệt ấn tượng với vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: Reuters)

10 thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với quy mô hứa hẹn tăng tốc kinh tế hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Các thành viên chiếm gần 1/3 dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu. Khu thương mại tự do mới sẽ lớn hơn cả Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada và Liên minh châu Âu. Hãng tin Reuters của Anh mô tả RCEP là "một trong những kết quả mong chờ nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua".

Trang mạng báo New York Times (Mỹ) và South China Morning Post (Hong Kong-Trung Quốc) dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệp định này được thông qua có thể gây sức ép cho một số công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia khác bên ngoài khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP (sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP).

Theo trang mạng Asiatimes, RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các công ty và thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận này mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Đặc biệt, RCEP cũng là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc-các cường quốc kinh tế công nghiệp hóa của châu Á. Từ năm 2012, ba quốc gia Đông Bắc Á này đã tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do ba bên, song đạt được ít tiến triển trong những năm gần đây do bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng căng thẳng.

RCEP không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế vào năm tới sau khi bị đại dịch tàn phá, mà còn là biểu tượng nêu bật tầm quan trọng của khu vực trong giai đoạn được một số nhà phân tích đặt tên là “Thế kỷ châu Á”.

Các dự báo cho thấy ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào cuối thập kỷ này. Năm 2019, tổng GDP của ASEAN đã đạt 2.570 tỷ USD.

Cũng theo Asiatimes.com, trong khi lễ ký kết RCEP được đưa tin rộng rãi, các thỏa thuận khác đạt được tại hội nghị cấp cao lần này cho thấy mong muốn hướng nội của ASEAN nhằm tăng cường gắn kết và hợp tác khu vực.

Tờ Khmer Times của Campuchia ngày 16/11 nhận định là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ASEAN. Việc chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch 2020 thể hiện mong muốn của Việt Nam đảm bảo một ASEAN thống nhất, đứng vững trước tác động của tình hình quốc tế và khu vực.

Hãng tin Sputnik đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đối với Việt Nam, năm Chủ tịch 2020 là một cơ hội, nhưng cũng gánh trách nhiệm gấp đôi khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 đã kết thúc bằng một kết quả tích cực với việc ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự chú ý đã chuyển sang năm 2021- thời điểm ASEAN sẽ tái tập trung vào các mối quan tâm truyền thống hơn, cụ thể là sự đoàn kết khu vực và các thách thức từ bên ngoài.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truyen-thong-quoc-te-viet-nam-da-hoan-thanh-xuat-sac-vai-tro-chu-tich-asean-129305.html