Truyền thông số góp phần đưa Hà Giang tỏa sáng
BHG - Hà Giang được biết đến là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gìn giữ được bản sắc bản hóa của dân tộc; có Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng; vẻ đẹp về danh thắng do thiên nhiên ban tặng cùng sự thân thiện, mến khách của người dân… đã đưa Hà Giang trở thành điểm đến khám phá mới của du khách trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Để hình ảnh Hà Giang ngày càng lan tỏa khắp mọi miền đất nước và vươn ra thế giới, thời gian qua có sự tham gia tích cực, hiệu quả của công tác truyền thông nói chung, đặc biệt là công tác truyền thông số nói riêng. Có thể thấy, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khi hầu hết các hoạt động xã hội bị ngưng trệ và cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bên cạnh thông tin, tuyên truyền trên các kênh chính thống của cơ quan báo chí, truyền thông thì các cơ quan, đơn vị, địa phương, đến tổ dân phố, thôn, bản, hội, nhóm trong cộng đồng đã hình thành nên các kênh thông tin để kết nối, chia sẻ, tương tác, kịp thời cung cấp những thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội. Khi hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội không thể tổ chức tập trung đông người do dịch bệnh thì tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu lễ hội, bản sắc văn hóa trên các kênh truyền thông số của tỉnh và liên kết với các kênh truyền thông số của các cơ quan báo chí Trung ương để lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu hứng mạnh như: Giới thiệu Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các tua du lịch online trải nghiệm với nhiều video clip quảng bá về những danh thắng, di tích, di sản, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng của địa phương, ẩm thực vùng miền, các làng văn hóa du lịch cộng đồng để truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, mạng xã hội zalo, facebook của huyện, tỉnh... Công tác truyền thông số được đẩy mạnh trong lĩnh vực du lịch đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang.
Bắt nhịp với xu thế phát triển chung về truyền thông số, các cơ quan báo chí của tỉnh như: Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Giang đã kịp thời quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để tổ chức hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, trong đó mạnh dạn, chủ động thiết lập, khai thác, triển khai thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên ứng dụng mạng xã hội. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nhất là các kỹ năng trong ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao trình độ và cải thiện chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin.
Truyền thông số không chỉ chuyển động tích cực ở các cơ quan, đơn, vị trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước mà còn phát triển trong các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân thiết lập các kênh thông tin, tích cực giới thiệu quảng bá về văn hóa, du lịch, vùng đất, con người Hà Giang trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút lượng lớn người đăng ký tham gia, theo dõi như: Một số kênh thông tin trên nền tảng số của ca sĩ Quach Beem, chỉ riêng clip giới thiệu về bài hát “Hà Giang ơi” do chính ca sĩ sáng tác về Hà Giang, đến nay đã có trên 25 triệu lượt xem; kênh YouTube Hoàng Nam với gần 4,1 triệu người đăng ký; các kênh Facebook, Youtube của A Páo (Ngô Sĩ Ngọc) với hàng trăm video clip có cảnh quay về Hà Giang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước quan tâm, theo dõi; các kênh cộng đồng trên nền tảng số như Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Nắng Cao nguyên, Pheng Pheng Vlog, Xuân Hữu Đàn Tính, Tam giác mạch, Nguyễn Tất Thắng… đã góp phần tích cực quảng bá để du khách biết và đến với Hà Giang.
Từ những phương thức lan tỏa, quảng bá hình ảnh của tỉnh trên nền tảng số đã thu hút lượng lớn du khách đến Hà Giang, tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã đón 2.158.400 lượt du khách, trong đó có 218.080 lượt khách quốc tế, khách nội địa 1.940.320 lượt người (tăng 35 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, đầu năm 2023, Tờ The New York Times (Mỹ) đã công bố Hà Giang (Việt Nam) lọt top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023; tờ báo chuyên du lịch của Canada (The Travel) bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam và mới nhất Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.
Có thể nói, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang đem lại kết quả ấn tượng thời gian qua trên nền tảng số, bên cạnh sự vào cuộc chủ động, kịp thời, mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông nhà nước thì có đóng góp rất tích cực, hiệu quả của các lực lượng truyền thông trong cộng đồng. Qua đó góp phần đưa Hà Giang – mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc tỏa sáng trong nước và quốc tế.