Truyền thông Trung Quốc cáo buộc ông Trump sử dụng ảnh giả vì mục đích bôi nhọ

Ông Trump luôn tuyên bố ghét nhất là tin giả, nhưng mới đây ông bị truyền thông Trung Quốc cáo buộc đưa thông tin bịa đặt nhằm bôi nhọ và làm xấu hình ảnh nước này.

Một trong ba bức ảnh được ông Trump đăng tải được xác định là ảnh đã qua chỉnh sửa. Ảnh: NetEase.

Một trong ba bức ảnh được ông Trump đăng tải được xác định là ảnh đã qua chỉnh sửa. Ảnh: NetEase.

Ba bức ảnh về rác thải và thông điệp nhằm vào Trung Quốc

Trang tin Trung Quốc NetEase ngày 28/4 đã đăng bài viết nhan đề “Mỹ cần xin lỗi Trung Quốc vì sai sót lớn này”, liên quan đến vụ ba bức ảnh mà Tổng thống Donald Trump đăng trên mạng xã hội tuần trước về lượng rác thải khổng lồ trôi nổi trên biển. Ông còn cố ý kèm thêm câu: "Món quà tặng của người Trung Quốc trên Thái Bình Dương!”.

Bài báo viết: Thành thật mà nói, khi ai đó lần đầu nhìn thấy dòng tweet này, tim họ đã giật thót, “Trời ơi, biển đầy rác thế này ư, thật kinh hoàng”.

Nhưng một số nghi vấn ngay lập tức xuất hiện: Làm sao chứng minh được những rác thải trên biển này đến từ Trung Quốc? Đừng quên rằng trên Thái Bình Dương có rất nhiều đảo và quốc gia. Nếu Hải quân Trung Quốc muốn ra Thái Bình Dương, họ cần phải đột phá chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Những rác thải này có dễ dàng đột phá không?

 Bài viết trên mạng xã hội của ông Trump khiến người Trung Quốc phẫn nộ. Ảnh: NetEase.

Bài viết trên mạng xã hội của ông Trump khiến người Trung Quốc phẫn nộ. Ảnh: NetEase.

Truyền thông Trung Quốc đi tìm sự thật

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa ra chứng cứ xác thực, chỉ ra ông Trump đăng thông tin sai lệch. Bởi ba bức ảnh này hoàn toàn không phải là ảnh mới chụp. Có ảnh đã cũ, có ảnh giả đã qua chỉnh sửa.

Bức ảnh thứ nhất là của nhiếp ảnh gia thiên nhiên Ethan Daniels, được tải lên vào tháng 7/2017 và được chụp tại vùng biển gần quần đảo Raja Ampat ở Indonesia.

Raja Ampat nằm ở phía đông của Indonesia, cách xa Trung Quốc hơn về phía đông và phía nam so với Philippines, có nhiều hòn đảo ngăn cách Indonesia với Trung Quốc.

 Ảnh gốc của Bức ảnh thứ nhất trong bài viết của ông Trump. Ảnh: NetEase.

Ảnh gốc của Bức ảnh thứ nhất trong bài viết của ông Trump. Ảnh: NetEase.

Bức ảnh thứ hai trong bài đăng của ông Trump đã được đăng tải vào năm 2017. Nó được nhiếp ảnh gia chụp ảnh dưới nước Caroline Ball đăng lên Facebook vào năm 2017 và đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông lúc đó.

Theo mô tả của Ball, bức ảnh được bà chụp gần đảo Roatan ở phía bắc Honduras. Hãng tin AFP cũng đã phỏng vấn các quan chức Honduras vào thời điểm đó, họ cho rằng những rác thải này trôi đến từ nước láng giềng Guatemala và có quá nhiều rác thải đến mức tạo thành những hòn đảo nổi trên biển.

Cả Honduras và Guatemala đều nằm ở Đại Tây Dương và Biển Caribe, tương đối gần nước Mỹ. Làm sao những rác thải biển này có thể trôi đến từ Trung Quốc?

 Ảnh gốc của Bức ảnh thứ hai trong bài viết của ông Trump. Ảnh: NetEase.

Ảnh gốc của Bức ảnh thứ hai trong bài viết của ông Trump. Ảnh: NetEase.

Bức ảnh thứ ba trong bài đăng của ông Trump đã được chỉnh sửa, theo truyền thông Trung Quốc. Phía bên trái của bức ảnh này là ảnh của hãng thông tấn Mỹ chụp hàng rào nổi ngoài khơi được lắp ráp tại California để chặn và thu gom rác thải biển. Còn phía bên phải của bức ảnh là một bức ảnh khác của tác giả Caroline Ball được đề cập ở trên, đã được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải trước đó.

Khi hai bức ảnh này được ghép chồng lên nhau, rác biển dày đặc được hàng rào ngăn lại trông còn khủng khiếp hơn.

 Bức ảnh thứ ba trong bài viết của ông Trump được cho là đã qua chỉnh sửa bằng cách ghép hai ảnh này với nhau. Ảnh: NetEase.

Bức ảnh thứ ba trong bài viết của ông Trump được cho là đã qua chỉnh sửa bằng cách ghép hai ảnh này với nhau. Ảnh: NetEase.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/truyen-thong-trung-quoc-cao-buoc-ong-trump-su-dung-anh-gia-vi-muc-dich-boi-nho-post185077.html