Truyền thông Trung Quốc phản ứng trước đánh giá của chuyên môn Nga về máy bay thế hệ 6

Trước phản ứng tiêu cực của giới chuyên môn Nga, Mỹ trước thông tin Trung Quốc bay thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu thế hệ 6, các trang tin Trung Quốc đã đăng bài viết kịch liệt phê phán.

Máy bay được cho là chiến đấu cơ thế hệ 6 của Công ty Thành Đô bay thử hôm 26/12. Ảnh: NetEasy,

Máy bay được cho là chiến đấu cơ thế hệ 6 của Công ty Thành Đô bay thử hôm 26/12. Ảnh: NetEasy,

Mỹ hạ thấp tiêu chuẩn về máy bay thế hệ 6, Nga hoài nghi

Ngày 26/12, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô của Trung Quốc phát triển đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên khiến giới chuyên gia hàng không trên thế giới kinh ngạc. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều phản ứng mạnh theo hướng tiêu cực.

Mỹ coi B-21 "Raider" là “máy bay thế hệ thứ 6 đầu tiên”. Sau chuyến bay đầu tiên thành công của chiếc máy bay thế hệ thứ 6 của Công ty Hàng không Thành Đô (CAC) , Mỹ đã đưa B-21, ban đầu được định nghĩa là máy bay ném bom tàng hình, vào phạm trù "máy bay thế hệ thứ 6".

Động thái này bị Trung Quốc coi là không những không cứu được thể diện của nước Mỹ mà ngược lại còn trở thành trò cười trong giới chuyên môn. Bởi Mỹ trước đây từng khoe rằng máy bay NGAD thế hệ thứ 6 của họ có thể đạt "tốc độ gấp 5 lần âm thanh". Người ta suy đoán rằng chiếc máy bay thế hệ thứ 6 của CAC cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn tốc độ siêu thanh này. Vì vậy, động thái này của Mỹ bị Trung Quốc xem là “tự tát vào mặt mình”.

 Máy bay B-21 "Raider" của Mỹ. Ảnh: QQnews.

Máy bay B-21 "Raider" của Mỹ. Ảnh: QQnews.

So với phản ứng của Mỹ, phản ứng của Nga trước tin về chiếc máy bay thế hệ thứ 6 của Trung Quốc thậm chí còn gay gắt hơn. Một số chuyên gia công khai tuyên bố rằng máy bay thế hệ thứ 6 của CAC “không thể bay với tốc độ siêu thanh” và “không thể siêu cơ động”.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, trước vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay thế hệ thứ 6, một số chuyên gia Nga đã chọn cách phủ nhận và hạ thấp. Họ không chỉ phủ nhận chiếc máy bay (có tin mang tên không chính thức là “Ngân Hạnh” hoặc “Bạch Đế”) của CAC là máy bay thế hệ thứ sáu, thậm chí có người còn quả quyết rằng máy bay này "nhất định chỉ có tốc độ cận âm" và không thể thực hiện các động tác siêu cơ động.

 Máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B của Nga. Ảnh: NetEasy.

Máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B của Nga. Ảnh: NetEasy.

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ

Trang web truyền thông Svpressa của Nga đã đăng tải bài viết của chuyên gia quân sự Alexei Mikhailov nhan đề "Rồng Trung Quốc không có đuôi: Điều gì ẩn giấu dưới vỏ bọc ‘máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu’?", cho rằng hình dáng của chiếc máy bay thế hệ thứ 6 của CAC giống với máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B của Nga, vì thế chỉ có thể là máy bay cận âm.

Họ chỉ ra thêm rằng hình dạng "cánh bay" này cùng lắm chỉ có thể giúp tăng tốc độ máy bay lên trên Mach 1 một chút và chỉ đạt đến một độ cao nhất định. Ngoài ra, họ cũng khẳng định rằng máy bay thế hệ thứ 6 của CAC không thể thực hiện các động tác nhào lộn trên không đặc biệt phức tạp, tức là siêu cơ động, bởi vì siêu cơ động phải có đuôi chuyển động hoàn toàn, còn chiếc máy bay này lại không có đuôi dọc cũng như đuôi ngang.

Kỳ lạ hơn, chuyên gia Nga thậm chí còn cho rằng lý do máy bay thế hệ thứ 6 của CAC sử dụng 3 động cơ là do Trung Quốc gặp khó khăn trong việc sản xuất động cơ máy bay. Họ cho rằng động cơ máy bay chiến đấu hiện có của Trung Quốc vẫn còn "rất thô sơ" và việc hiệu chỉnh có thể phải mất thêm vài năm. Vì vậy, họ cho rằng nguyên nhân rất có thể khiến "Rồng không đuôi Trung Quốc" biến thành máy bay ba động cơ là do Trung Quốc còn bất cập trong khâu sản xuất động cơ.

 Chiếc máy bay được cho là chiến đấu cơ thế hệ 6 (trái) bay cùng chiếc J-20S. Ảnh: NetEasy.

Chiếc máy bay được cho là chiến đấu cơ thế hệ 6 (trái) bay cùng chiếc J-20S. Ảnh: NetEasy.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho rằng những “ý kiến lố bịch” này không làm thay đổi được sự thật. Chuyến bay đầu tiên thành công của máy bay thế hệ thứ 6 của CAC đã thể hiện đầy đủ sức mạnh và khả năng đổi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không.

Ngược lại, sự vắng mặt của Nga trong cuộc cạnh tranh máy bay thế hệ thứ 6 và những ý kiến vô lối của một số chuyên gia chắc chắn càng làm nổi bật thêm tình trạng lạc hậu của nước này trong lĩnh vực hàng không.

Theo NetEasy, QQnews

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/truyen-thong-trung-quoc-phan-ung-truoc-danh-gia-cua-chuyen-mon-nga-ve-may-bay-the-he-6-post181505.html