Truyền thông và giảm nghèo về thông tin - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Kế Sách: Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế

Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) là xã thuộc vùng sâu, vùng nông thôn đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 7 ấp với 2.735 hộ, trong đó dân tộc Khmer có 1.463 hộ, chiếm 52,39%. Năm 2024, xã Kế Thành có 396 hộ nghèo, chiếm 14,48% dân số. Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Kế Thành thuộc khu vực III.

Theo đồng chí Quách Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Kế Thành, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên thời gian qua xã Kế Thành được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc. Trong mỗi chính sách đều có vị trí quan trọng riêng, tạo sự phát triển toàn diện. Nhờ đó mà diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Kế Thành đã có sự thay đổi rõ nét, có những chương trình, chính sách đã gắn bó lâu dài qua các giai đoạn, góp phần to lớn trong công cuộc giảm nghèo như Chương trình 135 của Chính phủ. Mới nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025 đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho hộ dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường giao thông nông thôn được nâng cấp rộng rãi, giúp người dân thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất. Ảnh: SONG LÊ

Đường giao thông nông thôn được nâng cấp rộng rãi, giúp người dân thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất. Ảnh: SONG LÊ

Xã Kế Thành ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, thậm chí rất khó khăn so với các khu vực khác. Trong khi đó, nhu cầu về đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa cần kinh phí lớn, nhưng thu ngân sách của các địa phương nhỏ, thu nhập người dân ở nhiều khu vực còn thấp, dẫn đến việc huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế. Từ năm 2022 đến nay, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025, xã đã triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường, công trình quan trọng. Điển hình là tuyến đường Kinh Giữa 1 - Ba Lăng - Bồ Đề; tuyến đường Kinh Giữa 2 - Bưng Túc - Thành Tân; tuyến đường ấp Cây Sộp; gia cố 7 điểm sạt lở ở các ấp Kinh Giữa 1, Ba Lăng, Bồ Đề; nâng cấp công trình cấp nước tập trung, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.

Kết nối hỗ trợ điện thoại 4G, một trong những giải pháp giúp người dân xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) giảm nghèo về thông tin. Ảnh: SONG LÊ

Kết nối hỗ trợ điện thoại 4G, một trong những giải pháp giúp người dân xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) giảm nghèo về thông tin. Ảnh: SONG LÊ

Cùng với đó, xã Kế Thành cũng tập trung thực hiện các giải pháp để giúp người dân giảm nghèo về thông tin. Mục tiêu của dự án là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Gần đây nhất là xã Kế Thành được Viettel Sóc Trăng trao tặng điện thoại 4G cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; giúp người dân có thêm phương tiện để cập nhật thông tin kịp thời, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Đồng chí Quách Thị Thuận cho biết, đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cũng đều ban hành quyết định thành lập Ban Giám sát cộng đồng đầu tư xây dựng các công trình. Từ đó người dân tham gia theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng các công trình, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện. Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/202410/truyen-thong-va-giam-ngheo-ve-thong-tin-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-nam-2024-tren-ia-ban-huyen-ke-sach-au-tu-co-so-ha-tang-giao-thong-tao-a-thuc-ay-phat-trien-kinh-te-3b308fb/