Truyền thông và vai trò xây dựng môi trường mạng an toàn với trẻ em
Truyền thông cần phát huy vai trò để nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Đặc biệt, bảo đảm lồng ghép các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngành và địa phương; cần đóng vai trò như những người bạn của trẻ bằng cách thông qua các kênh mạng xã hội, hướng trẻ tới sự tích cực và biết cách chọn lọc thông tin để tiếp nhận; truyền thông…
Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội thảo Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Plan International tại Việt Nam tổ chức sáng 25.5 tại tỉnh Hòa Bình.
Những lỗ hổng trên không gian mạng
Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo, tính đến tháng 2.2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch bệnh Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.
Ông Đặng Quốc Việt, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 30 em so với quý I năm 2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, hiện nay công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Những sản phẩm truyền thông chỉ đa phần chạy theo dòng sự kiện chứ chưa có chiều sâu, chưa có sức lan tỏa. Thậm chí trẻ em vừa là nạn nhân của xã hội vừa là nạn nhân của báo chí, truyền thông khi thông tin cá nhân bị khai thác quá cặn kẽ. Việc tôn trọng đời tư của trẻ em đang là vấn đề nhức nhối trên không gian mạng hiện nay.
Rõ ràng, vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sàng lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.
Truyền thông với vai trò cung cấp kỹ năng
Luật Trẻ em đã quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ em nhưng các tổ chức này nhận thức về trách nghiệm thế nào lại là vấn đề khác. Theo ông Đặng Hoa Nam, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan về bảo vệ trẻ em. Đó cũng chính là tinh thần trong thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.
Việc truyền thông phải lồng ghép cả 2 yếu tố văn hóa và giáo dục để bảo đảm trẻ được thực hiện đầy đủ quyền và bổn phận; không bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, cần tuyên truyền về kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình.
Chăm sóc trẻ em toàn diện là sự chăm sóc thể chất, tinh thần và kỹ năng. Hiện nay, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ đang trở nên nhức nhối với số lượng trẻ em tự tử tăng cao. Báo chí và truyền thông cũng cần đóng vai trò tư vấn cho những người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng để phát hiện, chăm sóc, phòng ngừa các trường hợp dễ bị tổn thương.
Chia sẻ thêm về vai trò của truyền thông trong bảo vệ trẻ em, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết, hiện nay cách sử dụng mạng internet của giới trẻ rất khác so với thế hệ trước, việc cha mẹ có thể kiểm soát và bảo vệ một đứa trẻ trên mạng đang trở nên khó khăn. Chính lúc này, vai trò của báo chí cần phải đóng vai trò cung cấp cho các bậc phụ huynh về các kỹ năng giúp trẻ em an toàn trên không gian mạng. “Báo chí cũng cần phải giúp các bậc phụ huynh bài trừ, nhận diện các thông tin, nội dung “rác” trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em để từ đó không ngại ngần lên án, ngăn chặn các hiện tượng này”, nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Đối với trẻ em, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng cho rằng truyền thông cần đóng vai trò như những người bạn của trẻ bằng cách thông qua các kênh mạng xã hội của trẻ như TikTok, Facebook…với những hình ảnh gần gũi để hướng trẻ tới sự tích cực và biết cách chọn lọc thông tin để tiếp nhận.
Còn nhà báo Hoàng Ngân (Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ, các nhà báo khi thực hiện các tác phẩm báo chí có nhân vật là trẻ em cần phải có sự tôn trọng nhất định trong khai thác thông tin, là thận trọng trong việc đăng tải các thông tin về trẻ em. Việc đưa những thông tin tiêu cực có thể không giúp bảo vệ trẻ em mà gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tới tâm lý, đời tư và tương lai của trẻ…
Các chuyên gia cũng cho rằng, truyền thông cần phát huy vai trò để nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Đặc biệt, bảo đảm lồng ghép các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngành và địa phương (không để trẻ em đằng sau mọi việc. Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em).