Truyền thuyết ngài A-Nan đầu thai làm tổ sư thiền Việt Nam
Nhiều người biết đến vụ án oan của thiền sư Huyền Quang nhưng ít người biết về thân thế sư còn một truyền thuyết rất ly kỳ nữa.
Mời độc giả xem clip tại đây (Nguồn Discovery Channel):
Vâng Phật chỉ làm pháp khí cõi Đông
Thiền sư Huyền Quang là tổ thứ 3 của phái thiền Trúc Lâm Việt Nam. Vốn dĩ nhà sư là một Nho sinh từng đỗ Trạng Nguyên rồi làm quan gần 20 năm mới xuất gia. Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ trong sách 91 thiền sư Việt Nam, thiền sư Huyền Quang vốn tên thật là Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành mà không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức.
Thuở nhỏ Lý Đạo Tái dung nhan kỳ lạ, ý chí xa vời, cha mẹ mến yêu dạy các học thuật. Ngài học một biết mười, biện tài hiển thánh. Niên hiệu Bảo Phù thứ 2 (1274) đời vua Trần Thánh Tông, ngài thi đỗ Trạng Nguyên, lúc ấy mới được 21 tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả công chúa cho nhưng ngài vẫn từ chối.
Theo tài liệu của Hòa thượng Thanh Từ, Lý Đạo Tái được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của ngài vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục. Sau gần 30 năm làm quan, năm 1305, ngài xin vua cho từ quan để xuất gia. Vua tiếc tài nên ngài phải xin mấy phen mới được vua ưng thuận. Đạo Tái xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Trúc Lâm đệ nhất tổ (tức Trần Nhân Tông), được đặt pháp hiệu là Huyền Quang.
Tuy nhiên, theo sách "Việt Nam Phật giáo sử luận" của Nguyễn Lang thì thực ra Lý Đạo Tái xuất gia thọ giới với thiền sư Bão Phác trước. Năm 1306, khi sư Pháp Loa được Trúc Lâm lập làm giảng sư chùa Siêu Loại, Bão Phác cùng Huyền Quang về dự lễ này. Tổ Trúc Lâm gặp Huyền Quang rất vui mừng nên đã đề nghị Bão Phác để Huyền Quang lại phụ tá với mình. Nhưng duyên thầy trò được 2 năm thì cuối năm 1308 Trúc Lâm viên tịch.
Trên đây là sơ qua về cuộc đời của thiền sư Huyền Quang từ lúc nhỏ đến khi xuất gia. Tuy vậy, vào lúc sư sinh có một truyền thuyết rất ly kỳ. Câu chuyện này không phải do người nhà của sư kể lại mà do một thiền sư khác cùng thời với ngài nằm mộng thấy.
Trong sách của Hòa thượng Thanh Từ đã nói ở trên, câu chuyện này được kể như sau: “Nhà của sư ở phía Nam chùa Ngọc Hoàng. Năm sư sanh, một hôm thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Huệ Nghĩa, tối tụng kinh trên chùa xong, xuống phòng ngồi trên ghế trường kỷ, chợt ngủ quên mộng thấy trên chùa đèn đuốc sáng trưng, chư Phật tụ hội đông vầy, Kim cang Long thần chật ních, Phật chỉ tôn giả A Nan bảo: “Ngươi thác sanh làm pháp khí cõi Đông”. Chợt có ông đạo sĩ gõ cửa, thiền sư Huệ Nghĩa tỉnh giấc, làm bài kệ viết trong vách chùa: “Người mà vì đạo chớ tìm đâu, Phật vốn tâm mình, tâm Phật sâu; Mộng thấy điềm lành là ảnh hưởng, Đời này ắt gặp bạn tâm đầu”.
Trổ uy đức tự rửa sạch nỗi oan
Sau khi xuất gia, sư Huyền Quang tu hành tinh tấn cộng với kiến thức quảng bác của mình, chẳng bao lâu sư nổi danh là một vị tôn đức đương thời. Sau khi ngài được lập làm trụ trì chùa Vân Yên núi Yên Tử, tăng ni theo về học đạo có đến nghìn người. Tuy vậy, trong giai đoạn này cũng xảy ra một vụ việc khiến ngài bị oan.
Trong sách "Việt Nam Phật giáo sử luận", Nguyễn Lang (tức Hòa thượng Thích Nhất Hạnh) trích dẫn sách Tổ Gia Thực Lục đã thuật lại câu chuyện này như sau: Một hôm vua Minh Tông tỏ vẻ thán phục cuộc đời đạo đức trong sạch của thiền sư Huyền Quang với các quan trong triều. Nho thần Mạc Ðĩnh chi nói: "Vẽ cọp thì vẽ da, làm sao vẽ tới xương được, biết người thì chỉ biết về bề ngoài chứ làm sao biết được trong tâm. Xin bệ hạ cho thí nghiệm".
Để “thí nghiệm”, vua Minh Tông liền sai một cung nữ có nhan sắc chim sa cá lặn lại thông hiểu kinh sử tên là Ðiểm Bích hiệu là Tam Nương đi thử Huyền Quang. Vua nói: "Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, chưa từng có ý sắc dục. Nhà người có nhan sắc, biết kinh sử, hãy đến tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị ấy còn quyến luyến sắc dục thì ngươi hãy dụ xin cho được kim tử bằng vàng đem về cho ta. Nếu man trá thì bị tội". Kim tử này là một vật báu vua tặng cho thiền sư ngày xưa.
Thị Bích sau đó đến núi Vân Yên nói dối là muốn xuất gia học đạo và được một vị ni sư già thu nhận và sắp xếp làm chân sai bảo trà nước sớm khuya. Một hôm thiền sư Huyền Quang thấy dung mạo Thị Bích, biết không phải là người có chủ tâm đi học đạo bèn gọi vị ni sư lên quở.
Thị Bích thấy thiền sư giới hạnh nghiêm mật; khó dùng sắc đẹp để chinh phục nên nẩy sinh một kế: Thị ta lại nói dối vị ni sư rằng mình là con nhà lễ khoa bảng, vì cha thâu thuế xong bị kẻ cướp cướp mất không có đủ tiền để đền nên sẽ bị triều đình làm tội. Nếu đến kỳ hạn mà không chạy ra đủ số tiền thì không những ông ta bị tội mà cả vợ con cũng sẽ bị liên lụy và điền sản tịch thâu. Vị ni sư đem câu chuyện nói cho mọi người khiến ai cũng cảm thương.
Sư Huyền Quang hứa sẽ về kinh sư điều trần xin tha tội cho cha Thị Bích, nhưng có một chú tiểu nói: "Pháp luật là pháp luật, để mất của công thì chịu tội, ta không nên vì tình riêng mà can thiệp, như vậy pháp luật còn có nghĩa gì. Tốt hơn nên quyên tiền giúp họ". Huyền Quang cho là phải, liền lấy kim tử vua ban cho Thị Bích. Trong chúng, ai có tiền thì cũng đều đem cho.
Lấy được kim tử rồi, Bích trở về cung bịa chuyện như sau cho vua nghe: "Thiếp đến Vân Yên Tự, giả làm người xin xuất gia, vị ni sư già cho thiếp bưng trà thang hầu thiền sư. Một tháng trôi qua mà sư chưa từng hỏi tới thiếp. Một đêm kia, sư lên chính điện tụng kinh. Ðến canh ba, sư và đại chúng mỗi người trở về tăng phòng của mình để nghỉ ngơi, thiếp mới tìm tới bên cạnh tăng phòng của sư để nghe động tịnh, thì nghe sư ngâm bài thơ nôm như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Màu Thích Ca nào thử hữu tình!
Sư ngâm bài ấy tới ba lần, thiếp mới vào tăng phòng của sư mà tạ từ xin về nhà thăm cha mẹ, nói rằng năm tới sẽ xin lên học đạo. Sư lưu thiếp lại một đêm, tặng thiếp kim tử". Vua nghe nói mặt rồng không vui, than rằng: "Việc này nếu quả thực có thì chính ta là người thả lưới bắt chim; còn nếu không thì cũng không khỏi gieo sự nghi hoặc".
Nói như vậy tức là vua vẫn còn nửa tin nửa ngờ nên vua bèn thử lại một lần nữa. Nhà vua cho mở đại hội Vô Già, thỉnh Huyền Quang đến chủ lễ. Trên bàn cúng bày biện đủ loại, lục phẩm, ngũ cúng, cà sa, pháp y và cả những tạp vật như vàng bạc châu ngọc...
Thiền sư Huyền Quang trông thấy như vậy biết mình bị hàm oan, liền "ngữa mặt lên trời thổi một hơi, lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm thần chú rưới khắp trên dưới pháp điện. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên, bụi bay đầy trời mù mịt. Một lúc trời sáng thì mọi tạp vật trên pháp điện đều bị cuốn bay hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng. Ai ai cũng đều thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh pháp của sư thấu cả thiên địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ lỗi... từ đó càng thêm tôn kính, xưng ngài là "Tự Pháp".
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, sau cuộc lễ này, vua Trần đã phạt Thị Bích làm kẻ nô bộc quét chùa trong cung Cảnh Linh ở nội điện vì tội bày đặt mưu kế để vu oan thiền sư Huyền Quang và nói dối vua. Về phần thiền sư Huyền Quang, năm 1317 được đệ nhị tổ Pháp Loa truyền y của tổ Trúc Lâm và một bài kệ truyền pháp để làm vị tổ thứ 3 của phái thiền Trúc Lâm. Sau gần 20 năm giáo hóa, năm 1334, sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông phong thụy cho sư là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại.