Truyền thuyết ngôi đền ở Ấn Độ được xây từ một khối đá khổng lồ
Được hình thành từ khối đá, đền Kailasa là một trong những ngôi đền hang động ấn tượng nhất ở Ấn Độ. Ngôi đền thuộc quần thể 34 ngôi đền hang động và tu viện (gọi chung là hang Ellora).
Nằm ở khu vực phía tây của Maharashtra, những hang động này đều là Di sản Thế giới của UNESCO và gồm các di tích có niên đại từ năm 600 đến 1000 Công nguyên. Mặc dù có nhiều ngôi đền tuyệt đẹp nhưng có lẽ ngôi đền Kailasa khổng lồ nổi tiếng nhất. Ngôi đền làm cho nhiều người phải ngạc nhiên về kích cỡ cũng như họa tiết trang trí đẹp mắt. Đến nay, vẫn không rõ ai đã xây dựng Kailasa. Mặc dù không có hồ sơ bằng văn bản nào chứng minh, nhưng các học giả cho rằng vua Rachtrakuta Krishna I (từ khoảng năm 756 đến 773 Công nguyên) đã xây dựng. Suy luận này dựa vào một số căn cứ liên quan đến ngôi đền và vua Krishnaraja.
Trong khi các học giả vẫn chưa tìm ra nguồn gốc thực sự của ngôi đền, người ta bắt đầu tin về truyền thuyết thời trung cổ đằng sau ngôi đền. Theo câu chuyện trong cuốn Katha-Kalpataru của Krishna Yajnavalki, khi một vị vua bị bệnh nặng, vợ của ông đã cầu nguyện với thần Shiva mong chồng sớm bình phục. Đổi lại, nếu lời cầu nguyện của bà linh ứng, bà thề sẽ xây dựng một ngôi đền mang tên Shiva.