Truyền thuyết về kho báu khổng lồ của vua Voi (kỳ 3)

Cho đến tận ngày nay, nhiều người trong dòng họ nhà K'Nul vẫn tin rằng vị 'Vua voi' Y Thu (SN 1829, ông tổ của nghề săn bắt và thuần hóa voi-PV) giàu có đến mức phải xây cả một cái kho để chứa vàng bạc, ngà voi cùng vô vàn trang sức quý hiếm. Tuy nhiên, sau ngày Y Thu mất đi cùng với sự tàn phá của chiến tranh đã khiến kho báu khổng lồ đó mất tích giữa những cánh rừng hoang sơ, bí ẩn.

Lăng mộ vua Voi Y Thu ở Tây Nguyên

Lăng mộ vua Voi Y Thu ở Tây Nguyên

Xây kho khổng lồ để chứa vàng bạc

Để nghe tiếp câu chuyện về vị “Vua voi” lừng danh Bản Đôn, chúng tôi tìm gặp bà H’Nguă Byă (SN 1954, cháu gái đời thứ tư, người cai quản khu lăng mộ Y Thu K’Nul).

Trong căn nhà giàu có, vừa bề thế vừa hiện đại, bà H’Nguă Byă cho biết: Sau khi trở thành Vua Voi, Y Thu chú ý đến việc mở đất và mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Với danh tiếng, sự uy tín và tài năng săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, ông đã biến “vương quốc” của mình trở thành trung tâm buôn bán trao đổi voi của toàn vùng Đông Dương.

Những con voi ở Buôn Đôn không chỉ được bán và trao đổi cho người dân địa phương, nhiều tỉnh thành trong cả nước, mà còn được xuất khẩu khẩu sang các nước láng giềng như: Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào... Để có nguồn hàng cung ứng ra thị trường, Y Thu không chỉ tổ chức, chỉ đạo người dân bắt voi mà còn tự tay săn bắt và thuần dưỡng trên 300 con voi rừng. Tính cho đến tận ngày nay vẫn không có một dũng sĩ nào ở Bản Đôn có thể vượt qua được ông về số lượng voi săn được.

 (Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Cũng nhờ nghề săn, thuần dưỡng và bán voi đã giúp Y Thu trở nên giàu có bậc nhất. Số lượng tiền bạc, châu báu để vào chum, ché không biết bao nhiêu mà đếm, nhiều đến nỗi Y Thu phải huy động một đội quân xây dựng hẳn một cái kho mang chính tên của ông. Cái kho đó dùng để cất chứa các ché bạc, vàng, ngà voi, xương, nanh thú quý hiếm, cồng, chiêng và nhiều sản vật quý của núi rừng Tây Nguyên.

Khi đã giàu có, Y Thu tiếp tục dùng tiền mua đất của các tù trưởng khác trong vùng, mở rộng cát cứ. Điều đặc biệt là dù đã giàu có, nhưng Y Thu vẫn thực hiện tư tưởng chính sách thu phục lòng người, ông không hề làm giàu bằng cách bóc lột người khác, mọi người ở Buôn Đôn đều công bằng sống với nhau.

Ông không chủ trương gây chiến tranh với các tù trưởng lân cận để giành đất, mà chỉ bằng con đường thương lượng hay đổi bán mà thôi. Với những trai bản khỏe mạnh ông cho luyện tập sức khỏe, rồi làm nhiệm vụ đi bắt voi. Người nào yếu hơn ở nhà cùng phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi, trông coi thú. Mỗi lần nghe thấy người nào trong vùng bị các tù trưởng bóc lột, bắt phải chết ông bỏ tiền mua về làm công dân của bản.

Sự phát triển ngày càng phồn thịnh, khiến Y Thu đã xây dựng buôn Đôn thành một vùng gần như khu tự trị, dưới quyền cai quản của ông. Tuy không tổ chức thành chính quyền theo mô hình nhà nước, không có quân đội, không vũ khí, nhưng vai trò của ông Y Thu trong quần chúng là rất lớn.

Những cuộc chiến tranh giữa các dòng tộc để giành đất, ông thường là người đứng ra giải hòa, vì thế các tù trưởng trong vùng luôn kính nể ông, làm cái gì cũng phải thông qua ông. Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, hòng thu phục miền cao nguyên rộng lớn này.

Khi Pháp xâm lược Việt Nam, chúng đã nhằm thâu tóm Buôn Đôn và biến nơi đây thành thủ phủ của Tây Nguyên. Nhưng khi đó, Tây Nguyên bao trùm bởi những cánh rừng bạt ngàn, giữa vùng cao nguyên chỉ có cây rừng và thú dữ.

Sự có mặt của Pháp đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Y Thu và buôn làng, khiến Pháp không thể thực hiện ý đồ đánh chiếm, vì thế chúng ta dùng cách thương thuyết. Y Thu dứt khoát không cho Pháp thực hiện ý đồ đặt chân lên mảnh đất của mình nên đã đuổi chúng về buôn Ma Thuột (nay là thành phố Buôn Mê Thuột).

Cho Pháp vay hàng trăm ché bạc?

Danh tiếng và sự giàu có của Y Thu nổi tiếng tới mức người Pháp cũng tìm gặp để vay tiền. Trong giai đoạn Thế chiến, vì bí tài chính, viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương phải đến nhà Y Thu ngỏ ý vay tiền bạc. H’Nguă Byă khẳng định rằng: “Khi viên quan Pháp đến thương lượng, hòng đặt đồn bốt tại buôn Đôn, Y Thu kiên quyết không cho.

Ông bảo rằng, buôn Đôn chỉ dành cho người buôn Đôn đi bắt voi thôi. Các ông dùng súng ống bắn nhau voi sợ, voi chết chúng tôi làm sao đi bắt voi được. Chúng tôi có nhà, chúng tôi biết đổi bán rồi, không cần các ông. Tuy nhiên, Pháp vẫn dùng thế lực để lập đồn, chúng trồng cây, rau để ăn. Đêm đến ông chỉ đạo dân làng âm thầm nấu nước sôi đổ vào gốc cho cây chết. Một thời gian sau Pháp tin rằng đất này có độc, có ma, có bùa... về lâu dài không thể sinh sống được, nên chúng rất hoang mang.

Khi đã dọa được Pháp, ông mới giới thiệu chúng ra vùng cách hơn ngày đi đường, đó chính là Buôn Mê Thuột, thủ Phủ của Tây Nguyên ngày nay. Khi Pháp có ý định bắt thanh niên đi lính phục dịch cho chúng, Y Thu khăng khăng: “Trai tráng trong buôn là lực lượng chính đi bắt voi, các ông bắt đi rồi ai bắt voi rừng nuôi dân làng chúng tôi. Các ông cần tiền tôi sẽ cho tiền”.

Biết là không làm được gì, nên chúng đã lợi dụng danh tiếng và sự uy tín của Y Thu, chúng khéo léo trong cách muốn làm việc gì ở bản Đôn đều phải xin ý kiến của ông. Chúng còn mời ông ra Buôn Mê Thuột để làm Chánh án Tòa án phong tục, nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp và kiện tụng của những người dân tộc Tây Nguyên.

Thế chiến giữa các các cường quốc diễn ra vô cùng ác liệt, vì cần tiền mua vũ khí nên viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã đến nhà Y Thu để ngỏ lời vay tiền. Ông không có cảm tình với thực dân Pháp nên đã từ chối không muốn cho vay. Nhưng chúng đã dùng thủ đoạn ép Y Thu đến con đường cùng, nếu không cho chúng vay tiền, chúng sẽ bắt thanh niên trong buôn làm lính phục dịch, bắt phụ nữ về làm vợ.

Y Thu không muốn dân làng mình phải phục dịch cho chúng nên ông đã đồng ý cho chúng vay với điều kiện phải viết giấy vay nợ và có chứ ký của đôi bên. Nghe nói khoản tiền khổng lồ đó không thể xác định được là bao nhiêu, chỉ biết rằng là nó được đựng vào hàng trăm ché bạc, sau đó cho voi chở ra Buôn Mê Thuột. Y Thu cho người mang một phần trong kho bạc khổng lồ của dòng họ ra, trong đó có ngà voi, vàng, bạc và những trang sức vô cùng giá trị.

Những giấy tờ và biên bản vay tiền của Pháp được Y Thu cất cẩn thận trong một ống tre lồ ô rồi cất vào một vị trí trên nóc nhà, nơi mà chỉ có ông mới biết. Nhưng không ngờ đến năm 1928, mùa khô ở Tây Nguyên vô cùng khắc nghiệt, cây cỏ héo hon, cảnh vật tàn lụi, một ngọn lửa vô tình đã thiêu trụi cả làng. Những giấy tờ thỏa thuận cũng biến thành tro tàn. Y Thu không còn cơ sở để đòi món nợ lớn đó nữa, về phía Pháp cũng không thấy ý kiến hoặc bất kỳ động thái gì cả.

Cũng vì thế, mà ông chấp nhận một phần trong kho báu khổng lồ của mình “mất hút” cùng trận hỏa hoạn ngày nào. Sau này, ông nhận ra bản chất thật và bộ mặt xấu xa của thực dân Pháp nên đã không bắt tay thỏa hiệp với chúng. Vì thế, ông đã lãnh đạo người dân Buôn Đôn đứng dậy đấu tranh, hỗ trợ cho một số cuộc khởi nghĩa của các vị anh hùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau đó các cuộc đấu tranh này đều thất bại vì vũ khí, hỏa lực của kẻ thù quá mạnh.

(Còn nữa)

Dương Tử - Thủy Sinh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xua-va-nay/truyen-thuyet-ve-kho-bau-khong-lo-cua-vua-voi-ky-3-497470.html