'Truyền thuyết về Quán Tiên': Góc nhìn hậu chiến
Truyền thuyết về Quán Tiên khai thác nỗi cô đơn của những nữ thanh niên xung phong vì nước quên thân. Họ sống nơi rừng sâu, đìu hiu, chỉ có thú rừng, trải qua những nỗi trống vắng, khao khát yêu đương cùng nhu cầu được chia sẻ tâm tình đời thường như bao cô gái khác
Xung quanh 3 cô gái với những tính cách và số phận khác nhau là câu chuyện về con vượn khổng lồ luôn rình rập người ở bờ suối, gây ám ảnh tâm lý dữ dội cho Mùi. Chiến sĩ được điều động theo hỗ trợ quán hoặc những chiến sĩ hành quân đến và đi qua "Quán Tiên" góp phần mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho các cô chủ quán. Mặc dù tồn tại không quá lâu, 3 cô gái cùng "Quán Tiên" được nhớ nhiều trong lòng các chiến sĩ từng được gặp gỡ.
"Truyền thuyết về Quán Tiên" (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ) là tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, lấy bối cảnh năm 1967, kể về 3 cô gái thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp gồm Mùi (Thúy Hằng đóng), Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh đóng), Phượng (Minh Khuê đóng) thực hiện nhiệm vụ được giao là dựng quán trong hang động tại cao điểm của tuyến đường Trường Sơn là điểm nghỉ chân, bổ sung thực phẩm, nước uống cho những chiến sĩ hành quân qua đây. Quán được các anh bộ đội đặt cho cái tên rất hay: "Quán Tiên".
"Truyền thuyết về Quán Tiên" khai thác nỗi cô đơn của những nữ thanh niên xung phong "vì nước quên thân". Họ sống nơi rừng sâu, đìu hiu, chỉ có thú rừng, trải qua những nỗi trống vắng, khao khát yêu đương cùng nhu cầu được chia sẻ tâm tình đời thường như bao cô gái khác. Họ ham muốn những dục vọng bản năng nhưng kìm nén vì muốn hoàn thành nhiệm vụ. Hẳn nhiên, đứng giữa những cảm xúc trái ngược, nội tâm giằng xé, đôi lúc họ có những giây phút yếu lòng... Tính cách của 3 cô gái góp phần tạo nên số phận của riêng họ.
Phim có câu chuyện sâu sắc, khắc họa được tính cách từng nhân vật. Những tình tiết hài hước được cài cắm vừa phải, hợp lý cũng mang đến được tiếng cười, cân bằng với tâm lý nặng nề trong phim. Dàn diễn viên tròn vai, truyền được cảm xúc. Bối cảnh được chọn lựa đẹp, hình ảnh và âm nhạc mượt mà. Tuy nhiên, phim cũng bộc lộ không ít điểm yếu, nhiều sạn. Bám sát tác phẩm văn học đến từng câu thoại nên nhiều lời thoại trong phim thành văn viết, thiếu tự nhiên. Nhiều chi tiết trong phim như hình ảnh hóa những gì được miêu tả trong truyện nhưng hiệu quả lại không cao. Một vài tình tiết đổi khác so với truyện nhằm giảm bớt bi kịch nhân vật, hướng nhân vật đến chiều hướng tốt đẹp ngay cả với người vướng lỗi nhưng lại làm giảm kịch tính, cao trào, thiếu chất đời. Điểm yếu nhất là kỹ xảo, tệ từ hình ảnh con vượn khổng lồ cho đến cảnh bom đạn cháy nổ khiến cảm xúc người xem hụt hẫng. Ở thời điểm kỹ xảo phim chiến tranh của thế giới đã đạt đến trình độ ấn tượng, phổ biến thì các cảnh "minh họa" kiểu như "Truyền thuyết về Quán Tiên" chỉ gây phản cảm, thà đừng đưa vào phim sẽ tốt hơn. Dù vậy, phim này liên tục thắng giải từ Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 2019 đến Cánh diều bạc tại Giải Cánh diều 2019.
"Truyền thuyết về Quán Tiên" là tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên ra rạp (khởi chiếu từ ngày 22-5) khi hệ thống rạp được phép hoạt động trở lại từ ngày 9-5. Trước đó, "Truyền thuyết về Quán Tiên" dự kiến ra rạp nhân lễ 30-4 nhưng không thực hiện được.
Không phải là phim thương mại nên "Truyền thuyết về Quán Tiên" được dự đoán trước là khó hút khách, nhất là khi rạp mới hoạt động trở lại chưa lâu. Theo thống kê của Box Office Việt Nam, tính đến tối 22-5, sau một ngày ra rạp, phim thu hơn 288 triệu đồng (số liệu có tính tham khảo), kỳ vọng khán giả sẽ tăng hơn vào những ngày cuối tuần.