Truyện tranh kỹ thuật số phát triển mạnh ở Bắc Mỹ
Nhiều web truyện tranh và ứng dụng webtoon ra đời, phát triển mạnh ở thị trường Bắc Mỹ. Đây là giải pháp phù hợp khi ngành xuất bản đối mặt tình trạng thiếu giấy in.
Nhu cầu truyện tranh tăng cao tại thị trường Bắc Mỹ. Trong khi đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các nhà xuất bản chật vật tìm cách in, phát hành sách tới độc giả. Trên Publishers Weekly, đại diện các nhà xuất bản manga tại thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản đã nêu giải pháp.
Dùng nhiều loại giấy, in ấn ở nhiều quốc gia
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, các nhà xuất bản Bắc Mỹ phải thỏa hiệp và thay đổi lịch trình, quy trình sản xuất của mình. Leyla Aker, đại diện Penguin Random House Publisher Services, cho biết đối với các cuốn manga, đơn vị của bà linh hoạt trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu. Người làm sách đã thay thế các loại giấy hoặc bìa khác nhau.
Để giải quyết tình trạng công suất máy in có hạn, các nhà xuất bản tìm kiếm những nhà in manga mới. Ben Applegate, Giám đốc dịch vụ xuất bản tại Penguin Random House, công ty giám sát việc sản xuất các đầu sách Kodansha (một trong những công ty manga lớn nhất ở Nhật) cho biết hầu hết sách đang được in ở Bắc Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhà xuất bản này đã chuyển sang in sách ở tám quốc gia tại châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á.
Một số nhà xuất bản khác buộc phải tăng thời gian chờ sách tái bản. Kurt Hassler, đại diện Yen Press (liên doanh manga giữa Hachette và tập đoàn Kadokawa) cho biết hiện nay, mất sáu đến tám tháng để tái bản một cuốn sách.
Kevin Hamric, đại diện Viz Media, nói những người làm manga luôn liên lạc với các nhà cung cấp để cập nhật thông tin liên quan cũng như giữ liên hệ với độc giả. Điều đáng mừng là mọi người đều thông cảm cho tình hình hiện nay.
Webtoon tăng trưởng
Sự thiếu hụt bản in đang diễn ra, trong khi đó nhu cầu bạn đọc không dừng lại. Một số nhà xuất bản phát triển mảng truyện tranh kỹ thuật số, ứng dụng cho thiết bị di động.
Độc giả có thể tìm thấy nhiều dịch vụ về truyện tranh trực tuyến: Phiên bản sách điện tử của manga, truy cập miễn phí hoặc trả phí đăng ký hàng tháng…
Nhiều dịch vụ cung cấp manga kỹ thuật số trên các nền tảng khác nhau đang phát triển như: Azuki, BookWalker, Comixology, InkyPen, Izneo, Mangamo, Manga Planet, Manga Plus và Weekly Shonen Jump. Một số dịch vụ cung cấp thể loại manga chuyên biệt, ví dụ Futekiya Library và Renta có nhiều manga lãng mạn, khai thác các mối tình.
Trong 12 tháng qua, có thêm nhiều nhà cung cấp truyện tranh kỹ thuật số gia nhập thị trường. Manga Plaza là trang web đăng ký truyện tranh trực tuyến do nhà xuất bản truyện tranh di động Nhật Bản NTT Solmare thành lập. Ngoài ra, còn có nhà xuất bản Animate International; Kadokawa digi-Pub, một cơ sở dịch thuật tiếng Anh và xuất bản cung cấp manga và light novel ở định dạng kỹ thuật số.
Các nền tảng truyện tranh dành cho thiết bị di động như Tapas, Webtoon chuyên đăng truyện theo phong cách manga lên mạng. Thông qua các nền tảng này, truyện tranh Hàn Quốc (manhwa) cũng nở rộ ở thị trường Bắc Mỹ. Sắp tới, Yen Press sẽ ra mắt tại Bắc Mỹ loạt truyện có sự kết hợp giữa K-pop và webtoon; đó là các cuốn truyện tranh lấy cảm hứng từ các ban nhạc như BTS, Enhypen, TXT. Những tác phẩm này đã được phát hành bằng 10 ngôn ngữ khi ra mắt, thu về hơn 70 triệu lượt xem.
Thành công của các nền tảng webtoon như Leizhin, Manta, Naver Webtoon, Tapas khiến các nhà xuất bản quan tâm tới các tác phẩm số này, tìm kiếm hợp tác và phát hành chúng dưới dạng sách in.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-tranh-ky-thuat-so-phat-trien-manh-o-bac-my-post1313687.html