Truyện tranh Việt giữa thị trường chuộng 'hàng ngoại'

Sự phát triển lấn át của manga nói riêng và truyện tranh ngoại nhập nói chung vừa là áp lực, vừa là động lực phát triển của truyện tranh Việt.

Nhận định của đại diện đến từ hai đơn vị gần 10 năm qua đều đặn xuất bản truyện tranh, sách tranh của tác giả Việt cho thấy thị trường truyện tranh trong nước có nhiều biến chuyển tích cực. Môi trường gần như bị áp đảo bởi truyện tranh ngoại nhập (nhất là manga) vừa gây áp lực, vừa tạo động lực cho họa sĩ Việt phấn đấu và tìm lối đi riêng.

Sự phổ biến của manga là xu thế toàn cầu

"Thực lòng mà nói, tồn tại một áp lực là trên thị trường có nhiều bộ truyện tranh nước ngoài quá xuất sắc. Các tác giả trong nước cần phải nỗ lực rất nhiều để thu hút được độc giả đại chúng, để họ chấp nhận cho truyện Việt một cơ hội", CEO Comicola Nguyễn Khánh Dương bộc bạch.

Theo quan sát của bà Thân Trọng Thanh Quỳnh - Trưởng phòng bản quyền của Du Bút, hiện tại, truyện tranh Nhật Bản vẫn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trên thị trường truyện tranh tại Việt Nam, với khoảng 300 tựa mỗi năm. Tuy nhiên bà cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì đây là xu hướng chung trên toàn thế giới: truyện tranh Nhật Bản (manga) đã xây dựng được vị thế vững chắc trong suốt 50 năm qua và ngày càng phủ sóng mạnh mẽ toàn cầu nhờ sức mạnh của các sản phẩm phái sinh.

Lần đầu tiên vào năm nay, liên hoan sách thiếu nhi quốc tế Bologna đã có hẳn một góc dành riêng cho truyện tranh nói chung, và dĩ nhiên manga cũng có mặt. Lễ hội Comic Con 2023 - sự kiện thường niên lớn nhất về truyện tranh ở Bắc Mỹ - cũng lần đầu tiên có gian trưng bày rất lớn dành riêng cho các tác giả manga.

Các ví dụ kể trên cho thấy manga phủ sóng mạnh toàn cầu, ở cả những địa hạt có nền truyện tranh mạnh không thua kém như châu Âu (với truyện tranh Pháp-Bỉ: les BDs - Bandes dessineés) hoặc Bắc Mỹ (với truyện tranh Mỹ: comic). Do đó, việc manga phổ biến tại Việt Nam là hoàn toàn bình thường, bà Thanh Quỳnh nhận định.

CEO Du Bút Trần Duy Nguyễn cho rằng trước đây, tại Việt Nam truyện tranh vẫn được xem là phương tiện giải trí cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu nhi (dưới 18 tuổi). Điều này dễ dẫn đến định kiến cho rằng truyện tranh nói chung và manga nói riêng, là giải trí “mì ăn liền", vô bổ, không có giá trị nội dung.

 Tại Việt Nam, truyện tranh cũng đang dần thoát mác "chỉ dành cho trẻ nhỏ". Ảnh: D.B.

Tại Việt Nam, truyện tranh cũng đang dần thoát mác "chỉ dành cho trẻ nhỏ". Ảnh: D.B.

Điều này thật ra không phản ánh đúng giá trị của manga tại quê hương Nhật Bản. Tại quê nhà, manga được sáng tác cho đủ đối tượng mục tiêu: từ nhi đồng, trẻ em đến người trưởng thành, đã đi làm. Mức độ sâu sắc của nội dung và phong cách vẽ cũng vì thế mà thay đổi. Manga còn là một hình thức thể hiện, áp dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau như quảng cáo, tài liệu hướng dẫn...

Tuy vậy, cho đến thập niên 2010, người mua truyện tranh chính ở Việt Nam vẫn là các bạn đọc tuổi thiếu niên nên các đơn vị tại Việt Nam vẫn ưu tiên xuất bản các bộ truyện bán chạy cho độc giả lứa tuổi này. Sau khoảng 10 năm, thế hệ lớn lên cùng truyện tranh nay đã trưởng thành, có cuộc sống bận rộn và những trải nghiệm rất khác so với tuổi thiếu niên.

"Do đó, truyện tranh cũng phải 'lớn' theo để phục vụ nhu cầu đọc của họ: những câu chuyện có đề tài nghiêm túc hơn, cần nhiều trải nghiệm sống để đồng cảm, nét vẽ mang đậm phong cách cá nhân, cách kể chuyện tiệm cận điện ảnh,...", ông Nguyễn nói.

Độc giả mở rộng gu đọc, họa sĩ đa dạng hướng đi

So sánh với những tựa truyện có sức tiêu thụ lớn vào những năm 2014 - 2015, các bộ manga trên thị trường hiện nay đa dạng hơn về thể loại, đề tài và dấu hiệu đáng mừng nhất là về độ tuổi đọc. Đây là nhận định chung của CEO Du Bút và CEO Comicola.

Một điều mà đội ngũ Du Bút tâm đắc qua gần một thập kỷ hoạt động, đó là muốn một cộng đồng của một sản phẩm phát triển thì cần sự trưởng thành đồng đều từ cả hai phía: người sáng tạo và người đọc.

Hiện nay, một số nhà xuất bản, công ty sách đã mạnh dạn đầu tư vào dòng manga dành cho người trưởng thành. "Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng vì manga dành cho người trưởng thành vốn không mang lại doanh thu cao, nếu không muốn nói là lỗ, cho đơn vị", ông Nguyễn bày tỏ.

 Muốn một cộng đồng của một sản phẩm phát triển thì cần sự trưởng thành đồng đều từ cả hai phía: người sáng tạo và người đọc. Ảnh: D.B.

Muốn một cộng đồng của một sản phẩm phát triển thì cần sự trưởng thành đồng đều từ cả hai phía: người sáng tạo và người đọc. Ảnh: D.B.

Điều này rất cần thiết để nâng cao trải nghiệm đọc của một thế hệ độc giả mới, duy trì tình yêu truyện tranh, cảm quan thẩm mỹ cao và khả năng đọc không chỉ sách chữ mà còn cả cảm nhận hình ảnh, ông nhận định.

Bà Thanh Quỳnh cho rằng xu thế này cũng rất có lợi cho các họa sĩ truyện tranh Việt Nam. Hiện nay, họ dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm truyện tranh chất lượng, được thế giới công nhận, từ đó mở rộng các hướng phát triển ở vị trí một họa sĩ truyện tranh Việt Nam. Các tác phẩm truyện tranh Việt Nam nhờ vậy cũng có sự đón nhận tốt hơn khi độc giả không chỉ quyết định mua chỉ bằng phần "nhìn", mà còn đánh giá chất lượng cả phần "đọc" - phần nội dung, cốt truyện.

Ông Nguyễn nói thêm rằng nhiều họa sĩ đến từ các nền truyện tranh khác trên thế giới như Đông Nam Á, Pháp, Bỉ,... cũng chịu nhiều ảnh hưởng của manga. Tuy nhiên, qua thời gian họ dần định hình được phong cách cá nhân rất đặc trưng, nét vẽ theo kiểu manga không còn là đích đến duy nhất như trước đây.

Không khó để hình dung hiệu ứng tương tự của manga tại Việt Nam, khi những họa sĩ lớn lên cùng manga dần phát triển hướng đi riêng của mình. Trong đó có thể kể đến cách làm tích hợp các yếu tố địa phương như lịch sử, văn hóa Việt Nam vào trong sáng tác như Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm, Cánh hoa trôi giữa hoàng triều, Long thần tướng...

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/truyen-tranh-viet-giua-thi-truong-chuong-hang-ngoai-post1493186.html