Truyện viễn tưởng do AI viết, điều tưởng tượng đã thành hiện thực
Xuyên suốt lịch sử 17 năm của Clarkesworld, một tạp chí văn học nổi tiếng về khoa học viễn tưởng và giả tưởng, các tác giả đã suy đoán về sự phát triển của công nghệ tương lai sẽ tác động đến thế giới của chúng ta như thế nào.
Giờ đây, biên tập viên Neil Clarke đang phải trải qua một sự cố mà rất có thể là một câu chuyện khoa học viễn tưởng theo đúng nghĩa: Tạp chí của ông tràn ngập hàng trăm truyện ngắn được viết bằng các công cụ AI.
“Thật là mỉa mai", ông nói. "Trong khi nhiều nhà xuất bản truyện ngắn sẽ chỉ nhận bài gửi trong một số khoảng thời gian ngắn nhất định thì Clarkesworld luôn sẵn sàng tiếp nhận 24/7. Nhưng lần đầu tiên, số lượng bài nộp vượt quá tầm kiểm soát nên chúng tôi đã đưa ra quyết định vội vàng để đóng cổng nộp bài".
“Thật dễ dàng với những công cụ này để tạo ra hàng trăm nghìn tác phẩm trong thời gian mà một tác giả thường mất để tạo ra một hoặc hai tác phẩm", ông cho hay. “Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi đang tràn ngập trong đống rác và không thể xác định được đâu mới là những câu chuyện chất lượng đáng được lắng nghe".
Lượng bài nộp dồn dập này cũng khiến Clarke và các nhân viên của ông có ít thời gian hơn để làm việc với các nhà văn khoa học viễn tưởng thực sự, những người thực sự quan tâm đến việc cải thiện bài viết của họ.
Trong một bài đăng trên blog, ông đã chia sẻ một biểu đồ kéo dài từ tháng 6/2019 đến tháng 2/2023, cho biết số lượng nội dung gửi hàng tháng mà nhân viên của mình đã xác định là spam. Cho đến đầu năm nay, số lượng gửi thư rác chưa bao giờ vượt quá 25 thư rác mỗi tháng, thậm chí có nhiều tháng không có bất kỳ thư rác nào. Trước khi đóng cổng nộp bài vào thứ Hai, Clarkesworld đã nhận được hơn 500 đơn gửi thư rác chỉ trong tháng 2.
Giống như nhiều tranh cãi xung quanh nghệ thuật thị giác do AI tạo ra, những truyện ngắn này đặt ra câu hỏi về đạo văn. Nói một cách rộng rãi, các mô hình của OpenAI như ChatGPT và GPT-3 về cơ bản được đào tạo trên văn bản của internet, bao gồm các câu chuyện có bản quyền.
Nếu một câu chuyện do AI tạo ra xứng đáng được xuất bản trên Clarkesworld, thì ấn phẩm đó sẽ phải giải quyết một số câu hỏi về đạo đức. Nhưng ông Clarke nói rằng những câu chuyện này thậm chí chẳng hay ho gì. Các thuật toán tạo văn bản này không nhằm mục đích khiến chúng ta ngạc nhiên hay giải trí, mà phần lớn được dùng để trả lời câu hỏi.
DALL-E, Midjourney và các trình tạo hình ảnh AI khác có thể tạo ra một số tác phẩm thú vị về mặt trực quan, nhưng việc xem ảnh không tốn nhiều thời gian và trí não như đọc truyện.
Shakespear và bầy khỉ
Quyết định đóng cổng nộp bài của ông Clarke đã châm ngòi cho một vòng tranh luận khác trên internet về việc liệu AI có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật hay không.
“Về cơ bản chúng tôi có một đống tác phẩm được viết bởi những con khỉ đang muốn học làm Shakespear. Nhưng chúng tôi vẫn phải đọc hết một lượt để xác định được Shakespear giữa bầy khỉ", ông cho hay.
Một số phần mềm mới cung cấp khả năng phát hiện nội dung bị đạo văn hoặc khi nội dung đó được tạo bởi các công cụ như ChatGPT. Nhưng không có công cụ nào đặc biệt hiệu quả. Chính OpenAI còn ước tính rằng công cụ phát hiện văn bản tổng hợp của riêng họ bỏ sót tới 74% văn bản do AI tạo ra.
Đó là một vấn đề khó giải quyết đối với các công ty được đầu tư mạo hiểm với mức định giá hàng tỷ đô la, nói gì đến một nhà xuất bản khoa học viễn tưởng độc lập.
Ông Clarke đặc biệt quan tâm đến việc xuất bản các tác giả quốc tế, nhưng ông nhận thấy rằng các nhà văn nước ngoài thường bị các phần mềm tự động phân loại vào phần thư rác.
"Một số lưu ý từ phần mềm thực chất chỉ là văn phong có phần độc lạ tới từ các tác giả nước ngoài. Điều này làm cho việc sử dụng bất kỳ loại phần mềm quét tự động nào để sàng lọc các câu chuyện trở nên khó khả thi hơn", ông Clarke cho hay.
Ngay cả Amazon cũng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về sách điện tử tự xuất bản do AI tạo ra.
“Hầu hết những truyện ngắn này đều không đến từ những người cộng đồng khoa học viễn tưởng", ông nhận định. "Họ đến từ những kênh YouTube hoặc TikTok, và và họ chỉ đang tạo ra thứ gì đó và gửi nó đi với hy vọng kiếm được tiền nhanh chóng".
Clarke nói rằng một số ấn phẩm khoa học viễn tưởng khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Việc các tạp chí khoa học viễn tưởng đang gánh chịu gánh nặng của cơn lũ AI có thể là do các ấn phẩm khoa học viễn tưởng có xu hướng trả nhiều tiền hơn.
"Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng một số câu chuyện được gửi bởi các chuyên gia chatbot, những người đã có những video hướng dẫn mọi người cách làm thế nào để kiếm tiền từ ChatGPT. Thậm chí, những câu chuyện này được gửi tới rất nhiều tạp chí", ông Clarke bày tỏ sự lo lắng.
Hoàng Tôn (theo TC)