TS Chu Đình Tới: Nhân lực giỏi, tận tâm là nền tảng bền vững để phát triển KHCN
Có nhân lực giỏi, chất lượng, tận tâm vì khoa học và công nghệ sẽ là nền tảng bền vững trong việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, giáo dục đại học là nơi cung cấp trực tiếp đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học - nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Hoạt động giảng dạy gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng trong cơ sở giáo dục đại học là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chu Đình Tới - Trưởng Khoa Các Khoa học ứng dụng (đồng thời là Giám đốc Trung tâm Y sinh và Sức khỏe cộng đồng), Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiến sĩ Chu Đình Tới (bìa bên phải) làm chủ tọa một phiên chuyên đề và trao chứng nhận cho báo cáo viên tại Hội thảo quốc tế về y học tái tại ở Đài Loan 2023
Phóng viên: Việc hình thành các nhóm nghiên cứu ở trường đại học được xem là xu thế vận động mang tính tất yếu vì sự phát triển của nhà trường.
Vậy thưa thầy, việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học trong Khoa Các Khoa học ứng dụng để đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao cũng như nâng cao chất lượng đào tạo được hình thành ra sao?
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bộ và Ban giám hiệu Trường Quốc tế về thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức, Khoa Các Khoa học ứng dụng luôn tiên phong, chủ động để phát triển các nhóm nghiên cứu nằm trong các vòng tròn đào tạo của Khoa, vừa thúc đẩy nghiên cứu khoa học, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo cá thể hóa và nhân tài hóa theo các hướng nghiên cứu.
Khoa Các Khoa học ứng dụng hiện đang có 10 chương trình đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ, với 08 chuyên ngành về công nghệ thông tin - kỹ thuật – tự động hóa - y sinh – khoa học dữ liệu – hệ thống thông tin - công nghệ tài chính, do vậy các nhóm nghiên cứu của Khoa đều bao phủ và có tính liên ngành rất cao giữa các chuyên ngành đào tạo của Khoa, cũng như các chương trình đào tạo khác của nhà trường.
Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Khoa luôn tích cực, suy nghĩ, đề xuất Trường để thúc đẩy và phát triển các nhóm nghiên cứu, nhằm phát huy được nguồn lực nội tại và thúc đẩy kết nối, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Một trong những chiến lược quan trọng để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu là thu hút nhân sự chất lượng cao, những nhà khoa học đầu đàn để có thể phát triển, lãnh đạo và điều hành hoạt động hiệu quả các nhóm nghiên cứu khoa học.
Hiện tại, Khoa có 08 nhóm nghiên cứu về các lĩnh vực như Quang lượng tử, Công nghệ thông tin, AI, Điều khiển thông minh, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Y sinh và sức khỏe cộng đồng v.v. Bên cạnh đó, hiện nay Khoa đang đề xuất hình thành thêm 05-07 nhóm nghiên cứu mới để tạo ra dung địa phát triển và các hướng nghiên cứu mới phù hợp với chiến lược của Trường và Khoa.
Nhờ những kết quả và nỗ lực của các nhóm nghiên cứu trong Khoa dưới sự định hướng, tạo điều kiện và hỗ trợ của lãnh đạo Trường, năm 2023 Khoa Các Khoa học ứng dụng đã vinh dự là đơn vị đầu tiên trong Trường Quốc tế có 02 nhóm nghiên cứu được công nhận nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là “Nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe” do Tiến sĩ Chu Đình Tới là Trưởng nhóm và “Nhóm nghiên cứu về Ứng dụng AI trong Y tế” do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng làm trưởng nhóm. Đây là 02 trong tổng số 36 nhóm nghiên cứu được công nhận mạnh trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội với hàng trăm các nhóm nghiên cứu khác nhau.
Thầy cô Khoa Các Khoa học Ứng dụng gặp gỡ đầu Xuân năm 2024
Phóng viên: Trong bối cảnh khoa học đang phát triển theo xu hướng liên ngành, vậy việc đào tạo theo hướng liên và xuyên ngành với việc đẩy mạnh đào tạo cá thể hóa, nhân tài hóa liệu có mâu thuẫn với nhau không, thưa thầy? Vì sao?
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Việc đào tạo và nghiên cứu theo các hướng liên ngành và xuyên ngành đang là xu thế tất yếu, giải các bài toán lớn, để tìm ra những cái mới, cái sáng tạo và đột phá làm động lực cho phát triển nền kinh tế tri thức trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xu thế nghiên cứu và đào tạo liên ngành không hề mâu thuẫn với đào tạo cá thể hóa, nhân tài hóa mà có sự tương tác, hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển. Vì đào tạo cá thể hóa và nhân tài hóa không có nghĩa là chỉ đi theo một ngành đơn lẻ, một hướng hướng nghiên cứu hẹp, mà có hàm ý là đào tạo phù hợp với từng cá nhân và tạo ra môi trường, điều kiện và thúc đẩy phát triển hết tiềm năng, sở trường và năng lực của cá nhân đó. Đồng thời, khi có những cá nhân phù hợp, tài năng, đủ tầm, có đam mê và dám thực hiện thì mới mới đẩy nhanh và mạnh các hướng liên ngành và xuyên ngành.
Phóng viên: Thưa thầy, có ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu những người làm nghiên cứu liên ngành. Vậy làm thế nào để xây dựng và phát triển được đội ngũ nhiều chuyên gia giỏi về nghiên cứu liên ngành?
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Để giải quyết các bài toán lớn, phức tạp, liên ngành trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, con người đóng vai trò quan trọng. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, mà ở đó người học không chỉ được học các kiến thức cơ bản theo các ngành đơn lẻ/hẹp, mà học những khối kiến thức tích hợp, có những hướng phát triển mang tính liên ngành và xuyên ngành, ví dụ có sự kết hợp giữa các khối kiến thức công nghệ kỹ thuật, sức khỏe và với khối kiến thức kinh tế quản lý và tài chính.
Có chiến lược và nắm bắt, hiểu rõ xu thế này, Trường Quốc tế là đơn vị tiên phong trong thúc đẩy các chương trình đào tạo và hướng nghiên cứu liên ngành, đã và đang đóng góp nguồn nhân lực và sản phẩm giá trị cho xã hội và nền kinh tế trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chương trình đào tạo liên ngành của Trường Quốc tế không chỉ là sự giao thoa của các khối kiến thức chuyên ngành, mà còn đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh, và được đẩy mạnh việc giáo dục phát triển con người sinh viên, thúc đẩy sự tự tôn và lòng yêu nước, bản sắc giá trị của con người Việt Nam, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, có năng lực thích nghi tốt, phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Ví dụ, một số chương trình đào tạo liên ngành Trường Quốc tế đang triển khai như chương trình đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ Công nghệ thông tin ứng dụng, Công nghệ tài chính và Kinh doanh số, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics, chương trình Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh,...
Một số thành viên nhóm nghiên cứu liên ngành về y sinh và sức khỏe
Phóng viên: Thầy hiện đang là Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về Y sinh và Sức khỏe.
Vậy thưa thầy, việc hình thành và phát triển đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe đã tạo ra thuận lợi gì trong công tác nghiên cứu và đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội?
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Đúng vậy, như chia sẻ phía trên hiện tôi là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội có tên “Nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe”. Nhóm nghiên cứu mạnh này được hình thành và công nhận bắt đầu bằng chỉ đạo rất chiến lược, sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa của Ban lãnh đạo Trường Quốc tế, từ việc thu hút, xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất đến nguồn kinh phí trong các các hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như sự quyết tâm và cống hiến không ngừng nghỉ của các thành viên trong nhóm nghiên cứu.
Khi là nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, các thành viên nhóm nghiên cứu có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhận các nguồn tài trợ và cơ chế hoạt động từ Đại học Quốc gia Hà Nội và của Trường Quốc tế. Ví dụ, Trường Quốc tế có cơ chế khuyến khích các nhóm nghiên cứu trong đó có nhóm nghiên cứu mạnh về xin đề tài cấp cơ sở “không giới hạn" và đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng kinh phí do Trường Quốc tế cấp kinh phí,... Đây là những đòn bẩy rất lớn trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển của các nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành về y sinh và sức khỏe cộng đồng được hình thành, và phát triển, đã tạo điều kiện rất lớn để các thầy cô trong nhóm triển khai các hoạt động nghiên cứu và đào tạo liên ngành.
Trải qua khoảng 4 năm hình thành, phát triển, đến nay nhóm nghiên cứu có 7 thành viên thường trực là các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ có chuyên môn cao, và thường trực hằng năm nhóm có 40-50 thành viên hoạt động thường xuyên là các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên xuất sắc đang tham gia nghiên cứu ở các hướng như y sinh, sức khỏe, dược, kỹ thuật y sinh, ứng dụng IT/AI trong sức khỏe, khoa học dữ liệu trong sức khỏe, điện tử y sinh, du lịch y tế, y kinh tế...
Hàng năm nhóm nghiên cứu và trung tâm y sinh đóng góp khoảng 10-15% tổng số sản phẩm công bố quốc tế WoS/Scopus của Trường Quốc tế; nhiều nhà nhà khoa học trong nhóm được vinh danh quốc tế, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp Trường Quốc tế về thành tích đặc biệt và xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, mỗi năm nhóm có 6-10 lượt thành viên là học viên/sinh viên nhận các học bổng lớn trong và ngoài nước hoặc được giải cao trong các cuộc thi khoa học - công nghệ - kỹ thuật.
Trung tâm Y sinh và sức khỏe cộng đồng/Nhóm nghiên cứu liên ngành về y sinh và sức khỏe tổng kết năm 2023
Phóng viên: Trong những năm qua, Trường Quốc tế luôn nằm trong nhóm 3 đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế thuộc hệ thống WoS/Scopus của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước đó, Trường Quốc tế cũng đã vinh dự nhận Bằng khen “Đơn vị đạt thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác nghiên cứu khoa học và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2021”.
Xin thầy nêu một vài minh chứng điển hình về tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học của Khoa.
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Trong Khoa Khoa Các Khoa học ứng dụng có rất nhiều các nhóm nghiên cứu với các hướng nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật, và y sinh. Trong đó có nhiều hướng có tính ứng dụng cao, ví dụ các hướng nghiên cứu về ứng dụng AI và IoT trong nông nghiệp, nghiên cứu giải trình tự gen trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư, nghiên cứu về xe tự hành và máy bay không người lái ứng dụng trong cuộc sống, nghiên cứu về các thiết bị cảm biến y sinh trong hỗ trợ chẩn đoán tiểu đường v.v. Bên cạnh đẩy mạnh công bố quốc tế uy tín, Trường Quốc tế cũng thúc đẩy việc việc đăng ký sở hữu trí tuệ và giải pháp hữu ích, thúc đẩy hợp tác và kết nối doanh nghiệp, để hướng các sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp và vào ứng dụng trong cuộc sống.
Tiến sĩ Chu Đình Tới Tới (thứ 4 từ phải sang) cùng đại biểu chụp ảnh với Đại sứ Vương Quốc Anh Iain Frew (ở giữa) trong khuôn khổ Hội thảo kết nối mạng lưới sức khỏe UK và Việt Nam 2024
Phóng viên: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Với vai trò là một nhà khoa học, từ thực tiễn phát triển khoa học công nghệ nước ta hiện nay, theo thầy, để khoa học công nghệ thực sự trở thành chiến lược cạnh tranh quốc gia, một trong những điểm nghẽn quan trọng cần quan tâm giải quyết là gì?
Tiến sĩ Chu Đình Tới: Để thúc đẩy Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững thì chắc chắn cần cơ chế, nguồn nhân lực, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp/tiên tiến. Cơ chế rất quan trọng để các nhà khoa học yên tâm và có môi trường được phát triển tối đa năng lực của mình, có cơ hội cống hiến và cũng được ghi nhận xứng đáng. Con người quan trọng, có nhân lực giỏi, chất lượng, tận tâm vì khoa học và công nghệ sẽ là nền tảng bền vững trong việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do vậy, cần đẩy mạnh và thúc đẩy việc thu hút nhân tài, có cơ chế đột phá để thu hút và sử dụng người giỏi, nhất là những nhà khoa học và chuyên gia đã được ghi nhận trong và ngoài nước, chúng ta có thể tham khảo các chương trình thu hút của châu Âu như Marie Curie, của Úc như Global talent visa... Khi có người giỏi, thì cần có môi trường làm việc phù hợp để phát triển tối đa năng lực của họ, trong đó “phần cứng” tức là các công cụ, thiết bị, máy móc.... để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.