TS. Hồ Quốc Tuấn: Báo chí chính thống vẫn là kênh truyền thông hiệu quả
'Ấn phẩm của một tổ chức truyền thông chính thống có tầm ảnh hưởng lớn trong thời đại này, nếu không nói sẽ còn quan trọng hơn trong bối cảnh công nghệ deepfake đang tạo ra những tin tức giả tạo khắp nơi', TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc) chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
Là một trong các cây bút tài chính được theo dõi nhiều nhất trên thị trường chứng khoán, động lực nào khiến anh thường xuyên và tâm huyết chia sẻ thông tin và góc nhìn phân tích?
Tuy tôi không dám nhận là một cây bút được nhiều người theo dõi, nhưng việc thường xuyên chia sẻ quan điểm phân tích là một thói quen nhiều năm nay, từ thời có mạng xã hội Yahoo 360 ở Việt Nam. Nó gắn với công việc phân tích tài chính mà tôi làm hoặc là toàn thời gian như trước đây, hoặc là bán thời gian như hiện nay. Đó là một cách để tổ chức suy nghĩ của mình, tập cách diễn đạt nội dung tài chính cho những đối tượng độc giả, khách hàng khác nhau cũng như nhận những phản hồi nhiều chiều.
Đối với một người làm công việc phân tích, đây là một hiệu ứng phản hồi (feedback effect) rất có hiệu quả để điều chỉnh các nhận định và dự đoán của mình.
Anh nhìn nhận thế nào về thực tế truyền thông tài chính tại Việt Nam? Đâu là những điểm được và chưa được, cần cải thiện mạnh mẽ?
Truyền thông tài chính ở Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Tôi nhớ khi tôi vừa vào đại học năm 2000, thị trường chứng khoán vừa mở cửa, hai nguồn thông tin hiếm hoi tôi có thể tìm đọc về thị trường chứng khoán là từ bản tin chứng khoán của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Báo Đầu tư Chứng khoán.
Còn về tài chính ngân hàng nói chung thì có rất ít bài chuyên sâu trên các tờ báo hàng ngày. Là một sinh viên, khi đó, tôi không có đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin khác, điều mà các bạn trẻ ngày nay có thể tiếp cận nhanh và dễ dàng, với chi phí khá thấp so với một vài ly trà sữa mà nhiều bạn vẫn uống mỗi ngày.
Đến nay thì đã có rất nhiều trang tin, phương tiện truyền thông khác nhau, cả những mô hình video ngắn trên mạng xã hội Tiktok để đưa thông tin về chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung. Đây là một điểm đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ở Việt Nam có thiếu những chuỗi bài chuyên sâu, với góc nhìn đa chiều và không ngần ngại chỉ ra những điểm thiếu logic, vấn đề nổi cộm của thị trường hay công ty niêm yết từ những cây bút tài chính mà tôi theo dõi mỗi ngày ở Anh, Mỹ, thậm chí là Trung Quốc (chủ yếu là từ phía thị trường Hồng Kông).
Mạng xã hội đang có một số bổ sung cho mặt này khi mà đôi khi tôi đọc được một vài ý kiến sắc sảo, có thể là ngẫu hứng của một vài chuyên gia. Tuy nhiên, nó vẫn là mạng xã hội và không phải là một điểm đến duy nhất mà tôi tìm đọc mỗi ngày như kênh truyền thông chính thống.
Có thể vì một số nguyên nhân tế nhị mà người ta không muốn chuyển tải thông điệp qua truyền thông chính thống, nhưng cũng vì thế, truyền thông tài chính ở Việt Nam còn chưa mạnh ở mảng phân tích chuyên sâu và dài hơi này.
Về mặt này, gần đây, tôi rất thích các kiểu tổ chức bài dài hơi kiểu chuỗi bài của Báo Đầu tư về một số chủ đề, để người đọc có nhiều góc nhìn và tư liệu. Song, số chuỗi bài vẫn ít hơn nhiều so với các bài đưa thông tin và đây vẫn là khoảng trống của truyền thông tài chính ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cũng thông cảm với điều này, vì đây là một hoạt động tiêu tốn nguồn lực, như có lần một bạn phóng viên Caixin Global chia sẻ với tôi là những bài chuyên sâu về Trung Quốc chủ yếu “làm vì đam mê”, chứ nguồn lực để duy trì vô cùng tốn kém cho tòa soạn và phóng viên.
Ngoài ra, một mảng đang phát triển rất mạnh của nước ngoài là mảng phân tích dữ liệu và truyền thông dữ liệu, ví dụ mảng Graphic details của tờ Economist, những trang chỉ số như Bloomberg Trade Tracker, chưa phát triển ở Việt Nam. Đây cũng là những mảng tốn kém, nhưng tôi cũng nghĩ là cơ hội hợp tác của những đơn vị startup về dữ liệu thị trường và công nghệ với những đơn vị truyền thông tài chính truyền thống.
Trong các giải pháp phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bền vững, vai trò của truyền thông tài chính cần được nhìn nhận ra sao? Anh có thể lấy một ví dụ để thấy nhiều thị trường chứng khoán đã làm tốt vấn đề này?
Về mặt lý thuyết thông tin trên thị trường tài chính, truyền thông tài chính là một trung gian thông tin của thị trường.
Theo một nghiên cứu gần đây của Goldman, Martel và Schneemeier đăng trên Tạp chí Journal of Financial Economics với chủ đề “Lý thuyết của truyền thông tài chính” (Theory of financial media) thì các công ty lựa chọn một cách có tính toán các chiến lược để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư qua truyền thông tài chính, đặc biệt với những người không theo dõi sát các thông cáo trực tiếp của công ty, mà chọn thông qua truyền thông tài chính (thường là các nhà đầu tư nhỏ lẻ).
Các phóng viên sẽ lựa chọn loại thông tin này và cách viết như thế nào để truyền thông tới độc giả của mình. Vì vậy, luôn tồn tại một sự “uốn nắn” dòng thông tin trong lựa chọn cách mà công ty chuyển tải thông tin tới phía phóng viên, và phóng viên chuyển tải tới bạn đọc.
Kết quả của mô hình lý thuyết của Goldman và đồng sự cho thấy là giá cổ phiếu sẽ phản ánh thông tin tốt hơn nhờ truyền thông tài chính, nhưng đồng thời cũng phản ánh một sự thiên lệch từ phía công ty và phóng viên muốn chuyển tải. Đây là điều khó tránh khỏi trong một thị trường tài chính.
Để hạn chế điều đó, cách đây hơn 10 năm, tôi có đọc được trong một báo cáo của Trường Kinh doanh London về truyền thông tài chính rằng “nói một cách đơn giản nhất, trách nhiệm của bất kỳ nhà báo nào là không lạm dụng vị trí của mình, vi phạm hợp đồng lao động hoặc phá vỡ các quy tắc được quy định trong các các quy tắc ứng xử và pháp luật mà họ phải tuân theo”.
Xu thế truyền thông tài chính sắp tới sẽ phát triển song song những tổ chức truyền thống và những tổ chức phi truyền thống. Tổ chức truyền thống như báo giấy đã và đang lấn sân sang các mặt trận khác nhau trên mạng xã hội.
Sự uốn nắn thông tin, theo mô hình của Goldman, là kết quả tất yếu có thể được chứng minh bằng toán học với giả định các phóng viên hành động vì lợi ích tốt nhất của mình. Vì vậy, phải có những định chế xã hội chế tài điều đó để tạo một lằn ranh đỏ mà người phóng viên không thể vượt qua.
Tôi sẽ không lấy một ví dụ nào để cho rằng thị trường chứng khoán nào đã “làm tốt”, vì mỗi năm, các cơ quan quản lý của nhiều nước khác nhau vẫn kiện một số phóng viên có hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Đó có thể vì nhiều nguyên nhân, nhưng là một minh chứng cho những nghiên cứu trên có giá trị tham khảo nhất định. Phải không ngừng kiện toàn và học hỏi từ mọi thị trường, những tình huống nghiên cứu và phải đẩy mạnh hợp tác về đổi mới nâng cao kỹ năng cho đội ngũ phóng viên và cơ quan quản lý mỗi năm về chủ đề này.
Trong thời đại ngày nay, liệu có nguy cơ AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ thay thế các cây bút tài chính?
Trong mảng nội dung phi hư cấu như tài chính, khả năng của các AI hiện tại là khá hạn chế, đặc biệt là với mảng nội dung tiếng Việt như hiện nay. Thay vào đó, AI có thể giúp hiệu suất của các cây bút tài chính nâng cao, thậm chí giúp những cây bút tài chính không am hiểu về lập trình có thể tạo ra những minh họa sống động cho bài viết.
Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là nguy cơ. Tuy nhiên, cơ hội sẽ cần sự hợp tác chủ động giữa các cơ quan truyền thông với các đơn vị mạnh về AI, và thường cần một đơn vị trung gian tư vấn am hiểu về cả mảng nội dung tài chính và báo chí, cũng như hiểu về năng lực thực sự của AI.
Nâng cao năng lực đổi mới không chỉ của cây bút mà cả các đơn vị truyền thông truyền thống là mấu chốt quan trọng nhất. Cần phân biệt đâu là bề nổi, được tô vẽ của AI và đâu là năng lực cốt lõi có thể nâng cao năng suất của các cây bút tài chính. Với việc tạo ra những câu chuyện, bài phân tích tốt, tôi vẫn tin vào khả năng kết nối, đặt thông tin trong bối cảnh và những thông tin “mềm” của phóng viên hơn là của AI.
Với tôi, AI là một thư ký gửi tín hiệu cảnh báo về những điều gì đang “nóng”, “bất thường” đang diễn ra trên thị trường tài chính. Còn đào sâu tìm hiểu điều gì đang xảy ra, tại sao, như thế nào lại nằm ngoài khả năng của các công cụ AI tiên tiến nhất mà tôi được tiếp xúc, ở cả góc độ nghiên cứu hàn lâm và tác nghiệp thực tế.
Nói như kỹ sư AI trưởng của Meta, Yann LeCun, các công cụ AI hiện nay còn ở rất xa trình độ thông minh của con người, mặc dù có thể một ngày nào đó nó sẽ đạt đến đó.
Nhưng với tốc độ phát triển suốt 20 năm qua của AI như tôi quan sát và trực tiếp áp dụng vào thị trường tài chính mà nói, thì nếu không có một số đột phá trong 5 năm trở lại đây, thì sẽ còn rất lâu để điều đó diễn ra. Mà những đột phá gần đây khi áp dụng vào quy mô lớn sẽ tốn rất nhiều chi phí.
Chi phí của việc dùng AI tần suất cao là tảng băng chìm mà công chúng ít khi để ý đến. Có ai đó cho rằng khi số đông sử dụng thì chi phí sẽ rẻ đi, điều này là không chắc chắn, bởi vì số đông đều đang dùng miễn phí. Mô hình AI có trả tiền có thể sẽ thu hút ít người dùng hơn, và do đó lợi thế về quy mô đang được hình dung có thể chỉ là kế hoạch trên giấy.
Như một người bạn đầu tư vào lĩnh vực AI suốt 20 năm nay của tôi hình dung, thì mùa Hè AI đang đến, nhưng người ta đã vội quên đi mùa Đông AI kéo dài suốt giai đoạn 1987 - 1994 và giai đoạn tiến triển chậm mà chắc từ 1994 đến nay. Sự bùng nổ hiện tại không đảm bảo sẽ tạo ra những thay đổi như công chúng tưởng tượng.
Những thay đổi mà tôi có thể nhìn thấy chủ yếu sẽ nằm ở việc loại bỏ những con người và cấu trúc không hiệu quả, lười biếng và không tạo ra giá trị trong các tổ chức năng động. Nó cũng sẽ dần đào thải các tổ chức kém năng động không chịu loại bỏ những con người và cấu trúc lười biếng trong nội tại của mình.
Với tư cách là người thường xuyên viết và theo dõi các vấn đề kinh tế trong nước và quốc tế, theo anh, những vấn đề nào cần lưu ý với báo giới khi phản biện các vấn đề kinh tế?
Theo tôi, phóng viên cần hết sức chú ý đến các yếu tố chính trị, văn hóa, thể chế thị trường để thật sự hiểu vì sao mà câu chuyện đang diễn tiến như vậy và đâu là những lựa chọn.
Thứ hai, phải có sự quan sát tất cả các luồng quan điểm về cùng một vấn đề, để thấy được hết quan điểm của các bên, đâu là quan điểm chủ chốt, logic chính và đâu là những tảng băng chìm chưa được nêu lên. Hiểu được những tảng băng chìm trong các luận điểm có khi còn quan trọng hơn những tranh luận bề mặt.
Xu hướng truyền thông tài chính tới đây sẽ như thế nào? Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là cây bút thường xuyên cộng tác với các báo, anh có chia sẻ về thú viết báo mà anh bỏ ra nhiều tâm sức?
Xu thế truyền thông tài chính sắp tới sẽ phát triển song song những tổ chức truyền thống và những tổ chức phi truyền thống. Tổ chức truyền thống như báo giấy đã và đang lấn sân sang các mặt trận khác nhau trên mạng xã hội, tổ chức các show nói chuyện trực tuyến, sử dụng cả mảng truyền thông video như Youtube, Tiktok lẫn podcast.
Trong mảng nội dung phi hư cấu như tài chính, khả năng của các AI hiện tại là khá hạn chế, đặc biệt là với mảng nội dung tiếng Việt như hiện nay. Thay vào đó, AI có thể giúp hiệu suất của các cây bút tài chính nâng cao…
Song song đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu độc lập hoặc chuyên gia làm việc cho tổ chức tài chính cũng có kênh truyền thông riêng qua mạng xã hội. Những công cụ viết bản tin riêng (newsletter) thu tiền như hiện tại đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đâu là trào lưu, đâu là những phát triển bền vững thì vẫn còn phải quan sát.
Viết báo, theo tôi, vẫn chỉ là việc lựa chọn kênh truyền thông, bởi vì viết là một thói quen như tôi nói ở trên để tổ chức lại những gì tôi đọc được trong ngày. Tôi vẫn nghĩ rằng ấn phẩm của một tổ chức truyền thống sẽ có tầm ảnh hưởng lớn trong thời đại này, nếu không nói sẽ còn quan trọng hơn trong bối cảnh công nghệ deepfake đang tạo ra những tin tức giả tạo khắp nơi.
Ngoài ra, để chuyển tải thông điệp nghiêm túc như góp ý chính sách, truyền thông chính thống vẫn là kênh truyền thông hiệu quả hơn so với những kênh truyền thông mới.