TS Khuất Thu Hồng: 'Sau khi nghe về tam tòng, tứ đức, tôi buồn lặng đi...'
LTS: Phóng viên VietTimes đã có bài phỏng vấn TS Khuất Thu Hồng, một chuyên gia về vấn đề bình đẳng giới, về thân phận phụ nữ Việt Nam, nhân ngày 20/10.
TS Khuất Thu Hồng kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung đang chịu bão lũ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam
“Tứ đức” trong thời chiến và thời bình
Chị nghĩ như thế nào về “tứ đức” trong xã hội hiện đại?
TS Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ thời đại nào cũng cần tứ đức (Công, Dung, Ngôn, Hạnh). Ai cũng phải trở thành đẹp đẽ, ai cũng phải nói chuyện, ăn nói ứng xử làm sao cho hòa nhã, và phù hợp. Ai cũng nên là người khéo léo, giỏi công việc của mình. Và đạo đức, hay đức hạnh, ai cũng phải có.
Nhưng việc nhấn mạnh những đức tính đó chỉ với riêng cho phụ nữ tôi thấy không hợp lý. Bởi vì, “tứ đức” đó là phục vụ gia đình, phục vụ chồng con, còn đàn ông thì sao? Họ cũng cần Công, Dung, Ngôn, Hạnh, để có thể sống hòa hợp và tử tế với vợ con chứ.
Chúng ta hãy bắt đầu từ thời điểm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Có lẽ, lúc đó, chúng ta đề cao "tứ đức" để cho hậu phương yên, để tiền tuyến yên tâm chiến đấu. Nhưng đến thời bình, người phụ nữ cũng cần được sống theo ý mình, được hạnh phúc theo ý mình, đúng không chị?
- Vâng, thực ra thời chiến, tôi nghĩ cũng chẳng cần đề cao “tứ đức” thì người phụ nữ mới hoàn thành phận sự của mình. Không biết tôi có thiên vị hay không, nhưng tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam rất giỏi, rất kiên cường. Tôi nghĩ, trong thời chiến hay thời bình, phụ nữ Việt Nam vẫn sẵn lòng hy sinh bản thân, và luôn hành xử xứng đáng.
Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam đề cao “tứ đức” chủ yếu là đưa phụ nữ vào trong khuôn phép. Tức là có ý không tin vào phụ nữ.
Chị thấy những phong trào như “ba đảm đang”, hay “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong thời bình, có phải là sự bóc lột phụ nữ, như một số ý kiến trên mạng xã hội không?
- Những phong trào như vậy nhiều người nói rằng hóa ra phụ nữ phải làm tất cả, tức là tăng thêm gánh nặng cho phụ nữ. Tôi nghĩ là không có gì sai khi mà khuyến khích phụ nữ cố gắng. Đã sống ở trên đời này ai cũng phải cố gắng để hoàn thiện mình, và phát huy nội lực của mình ở mức cao nhất, để thử thách chính mình, và chứng tỏ mình có thể vượt qua được ngưỡng nào.
Nhưng nếu chỉ dành những phong trào đó cho phụ nữ thôi, tôi cho rằng bất công. Phụ nữ luôn phải cố gắng, còn đàn ông không phải cố gắng gì, và điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ.
Nhưng cho dù chúng ta khuyến khích sai phụ nữ, qua những phong trào cho phụ nữ ấy, việc đó lại làm cho phụ nữ tiến bộ hơn rất nhiều, phụ nữ tiến bộ nhanh hơn nam giới. Nói một cách công bằng, tốc độ phát triển của phụ nữ lại nhanh hơn nam giới rất nhiều.
Chị có thể dẫn ra những tiêu chí để chứng tỏ chị đúng trong nhận định này không?
- Ví dụ như về sự hiểu biết của phụ nữ. Nếu chúng ta so xuất phát điểm, từ năm 1945 khi Việt Nam giành được độc lập, lúc đó phụ nữ ở xuất phát điểm rất thấp so với nam giới. Không biết chữ này, không hiểu xã hội là gì, vân vân. Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng bước tiến của phụ nữ nhanh hơn, tốc độ phát triển của phụ nữ nhanh hơn.
Có thể nếu so hai bên bằng nhau, cùng tiêu chí với nhau, có thể ở chỗ này chỗ kia phụ nữ vẫn thấp hơn, vẫn chưa bằng nam giới. Thế nhưng, xét về tốc độ để phụ nữ phát triển, phụ nữ đã đi nhanh hơn, còn nam giới dường như đi chậm hơn.
Có phải do những chính sách thay đổi của Nhà nước đã tác động vào quá trình thay đổi của phụ nữ?
- Chính xác. Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, ngày 20/10 thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tất nhiên, Đảng Cộng sản thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ là có mục đích chính trị, để vận động người dân ủng hộ cho cuộc cách mạng.
Cũng nhờ mục đích đó mà phụ nữ được huy động, để vượt ra khỏi khuôn khổ là chỉ ở trong khuôn viên trong gia đình họ. Họ bước ra với thế giới, họ làm cách mạng cùng với đàn ông, họ cũng học hỏi, họ cũng chiến đấu, họ cũng làm việc, họ cũng được lôi cuốn để làm những công việc xã hội.
Trong khi đó, đàn ông cũng có những việc dành cho đàn ông, nhưng không có việc gì dành riêng cho đàn ông cả. Mặc dù, có nhiều tổ chức mà đàn ông chiếm phần đông và ưu thế, nhưng phụ nữ lại có riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ lo cho họ, thúc đẩy sự phát triển của riêng họ, với những hoạt động cụ thể dành cho phụ nữ, hướng tới phụ nữ. Từ đó, có rất nhiều chương trình dành cho phụ nữ, kể cả những chương trình, dự án phát triển của quốc tế dành cho phụ nữ.
Ví dụ, nâng cao quyền năng của phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng phụ nữ để họ có thể trở thành lãnh đạo. Nhờ đó mà phụ nữ tiến bộ rất nhanh, đôi khi nhanh hơn nam giới. Nam giới không có chương trình nào dành riêng cho họ cả, họ hầu như không thay đổi, cứ yên tâm với đặc quyền của mình.
Lấy chồng nước ngoài trở thành một phong trào
Phụ nữ lấy người nước ngoài – không chỉ vì tiền, mà vì thay đổi nhu cầu
Tôi thấy những năm gần đây có phong trào phụ nữ lấy chồng Tây, chồng Hàn Quốc, hay Đài Loan. Đấy có phải bước lùi của phụ nữ Việt Nam không?
- Không. Mỗi thứ đều có lý do của nó, chứ không phải phụ nữ Việt Nam ham tiền lấy người nước ngoài đâu. Mặc dù, nhìn bề ngoài có vẻ là như vậy.
Ví dụ, ở vùng nào phụ nữ lấy đàn ông Hàn Quốc hay Đài Loan nhiều? Miền Tây! Chúng tôi có nghiên cứu, tìm hiểu ở vùng đó.
Các cô gái ở đó trả lời chúng tôi rằng “tại sao tôi lại không thể đi lấy chồng Hàn Quốc, lấy chồng Đài Loan, khi ở bên đó tôi được tôn trọng hơn, còn ở nhà tôi lại phải lấy một ông chồng suốt ngày say xỉn, nhậu xong là đánh tôi, mà chẳng làm việc gì.”
Họ còn nói rằng “người chồng ngoại quốc có thể già hơn tôi kha khá, họ có thể có vấn đề nọ kia, nhưng đấy là cơ hội để tôi bước ra thế giới.”
Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao phụ nữ miền Tây lại phải ồ ạt kéo nhau ra đi. Có phải chỉ vì tiền không? Có lẽ là họ nhìn thấy một viễn cảnh gia đình như thế nào nếu lấy đàn ông miền Tây và lặp lại cuộc sống của bà, mẹ họ - tức là một số người chồng cứ say là đánh vợ, và không chịu làm ăn gì.
Những câu chuyện nhỏ nhỏ như thế cho thấy là nam giới đang có vấn đề, đúng không? Nam giới ít thay đổi, trong khi phụ nữ đã thay đổi nhanh hơn, kể cả nhu cầu của phụ nữ về một người chồng, một người đàn ông cũng đã thay đổi. Trong khi nhu cầu của một người đàn ông về một người vợ không hề thay đổi.
Viện của tôi gần đây có làm một nghiên cứu về nam giới, và kết quả cho thấy gần 90% nam giới muốn lấy một người vợ biết nghe lời, một người vợ biết dành thời gian cho gia đình, hay một người vợ ưu tiên cho gia đình. Điều đó xưa cũ quá rồi, ít nhất là một thế kỷ về trước.
Đúng. Tôi cũng thấy đàn ông Việt Nam sợ vợ giỏi hơn mình, và điều đó đánh vào tâm lý “đàn ông” của họ.
Vâng, đàn ông Việt Nam rất sợ vợ giỏi hơn mình, và không bao giờ lấy một cô có trình độ học vấn cao hơn. Những nghiên cứu của chúng tôi đều chỉ ra như vậy.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, trong những cặp vợ chồng ly hôn, có một tỷ lệ nhất định là do người vợ có thu nhập cao hơn, có vị trí xã hội cao hơn, ông chồng cảm thấy rất tự ti. Điều đó buộc người ta phải đặt câu hỏi ngược lại rằng đàn ông có vấn đề gì đấy, đúng không?
Phụ nữ đang thay đổi rất nhiều, và điều quan trong là sự mong đợi của phụ nữ dành cho đàn ông đã thay đổi, nhưng đàn ông lại muốn phụ nữ giữ nguyên như cũ, tức là vẫn “công, dung, ngôn, hạnh”. Nhưng phụ nữ không chấp nhận “công, dung, ngôn, hạnh” kiểu cũ nữa.
Vấn đề bình đẳng giới ở các nước theo Đạo Khổng
Chị có nghiên cứu về các nước khác không? Ví dụ, phụ nữ cũng dần dần có những quyền năng, hay chiếm những vị trí nhất định mà trước kia dành cho nam giới. Và, như vậy, sự bất bình đẳng giới được khỏa lấp dần dần. Nhưng đàn ông những nước đó có phấn đấu để phù hợp với sự thay đổi của phụ nữ hay không?
- Nếu nhìn ở những nước có chung văn hóa Khổng giáo như ở Việt Nam, chẳng hạn, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, hay Hồng Kông, chúng ta sẽ thấy câu chuyện cũng tương tự như ở Việt Nam. Mức độ khác hơn một chút là phụ nữ ở những nước đấy người ta cũng không muốn lấy một ông chồng gia trưởng – nhiều người ở vậy, hoặc lấy chồng muộn, sinh ít con.
Thế còn Nga, nơi chị đã đi học thời trẻ?
- Phụ nữ Nga cũng giống như các nước tôi vừa nhắc tới, tuy Nga không ảnh hưởng bởi Khổng giáo, Nho giáo. Tôi ở Nga nhiều năm, và biết rằng những người đàn ông Nga là những người rất trì trệ, và cũng rất gia trưởng. Cho nên, người phụ nữ Nga cũng rất khổ khi lấy chồng.
Người phụ nữ Nga, ở mức độ đảm đang, họ không kém gì so với phụ nữ Việt Nam, thậm chí còn đảm đang hơn, chịu khó hy sinh, nhường nhịn vô cùng. Thế nhưng, đến bây giờ số phận họ vẫn thế, và họ chọn cách không lấy chồng.
Hoặc họ chọn đi sang các nước Tây Âu, hay Mỹ. Thậm chí, họ chọn nhiều cách khác thay vì lấy một ông chồng suốt ngày say xỉn, vô tích sự.
Thế còn ở những nước Bắc Âu? Tình hình bình đẳng giới ở những nước đó dường như tốt hơn nhiều, đúng không chị?
- Đúng. Tại vì, ở đó, chính sách xã hội tạo điều kiện cho phụ nữ được hưởng bình đẳng.
Có phải các nước Bắc Âu cũng phát triển xã hội theo chủ nghĩa xã hội, với cách quan tâm đến sự bình đẳng trong an sinh xã hội?
- Vâng, đúng thế. Họ phát triển theo cái cách của họ, cho phép người ta rất là tự do. Ở đó, tỷ lệ ly hôn rất là cao. Thế nhưng, người ta không coi gia đình như là một cái gì đó bất di bất dịch. Người ta coi cái sự gắn kết với nhau quan trọng hơn là một sự chính thức hóa mối quan hệ ấy bằng hôn nhân.
Tức là tình yêu quan trọng hơn hôn nhân?
- Người ta coi trọng tình cảm, sự ấm áp, sự gần gũi, và sự hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải là một tờ giấy được đóng một cái dấu đỏ, do cơ quan tư pháp thực hiện. Chừng nào người ta thấy vẫn muốn sống với nhau, họ duy trì cuộc sống đó một cách có trách nhiệm. Nếu hết, họ chia tay một cách lịch sự, và không coi chuyện ly hôn là một vết nhơ như ở Việt Nam.
Bà mẹ đơn thân – một xu hướng?
Quay trở lại Việt Nam, bây giờ tôi thấy có một phong trào “bà mẹ đơn thân”, và họ sống rất tự tin, rất thoải mái. Đối với những người đã ly hôn, dường như bóng ma cuộc hôn nhân cũ làm cho họ cảm thấy ghê sợ với khả năng tái hôn, với những ghen tuông, hờn giận vô cớ, thậm chí đánh đập?
- Vâng, đúng thế. Bây giờ bắt đầu đã có một số người như vậy. Nhưng tỷ lệ đấy không nhiều, và trong xã hội Việt Nam mọi người không khuyến khích chuyện đó, thậm chí là còn chê bai nữa.
Trong khi, bản thân cô ấy lại thấy rằng, cô ấy sống rất tuyệt vời, nhưng những người xung quanh sẽ cho rằng cô ấy thật là bất hạnh, hoặc nhẹ hơn là không may mắn. Mọi người coi đó như một sự khiếm khuyết, trong khi cô đó lại coi đó như một sự lựa chọn, và hài lòng với sự lựa chọn đó.
Tức là những người phụ nữ rất mạnh mẽ mới đạt được cuộc sống như thế. Còn với những người kiểu hơi yếu đuối thì sẽ bị sức nặng của xã hội tác động?
- Trong nhóm mẹ đơn thân có hai nhóm nhỏ hơn: một nhóm hoàn toàn có thể sống độc lập mà không càn phải dựa dẫm vào ai cả, có thể tự mình nuôi con và rất đàng hoàng; còn nhóm còn lại là do không thể cặp đôi với ai, vì nhiều lý do, và do thụ động làm mẹ đơn thân nên họ rất khổ. Họ phải nuôi con một mình, trong khi họ lại không có những điều kiện về mặt kinh tế.
Thực sự, tôi nghĩ là xã hội Việt Nam đang tiến đến cái điểm sẽ có nhiều tự do hơn cho các cá nhân, và tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau cho cuộc đời mình. Chẳng hạn, vẫn có những người, theo truyền thống này, kết hôn rồi sinh con đẻ cái, nhưng có những người không nhất thiết phải lấy chồng, không nhất thiết phải lấy vợ.
Họ có thể có một người bạn đời nào đấy, hoặc một số người bạn đời nào đấy ở trong cuộc sống, và người ta ưu tiên những sở thích của người ta hơn những mối quan tâm khác. Có những người muốn có con, có những người không nất thiết phải có con. Xã hội Việt Nam sẽ tiến tới điểm đó, có thể chậm hơn các nước khác, nhưng là tất yếu.
(Còn nữa)