TS Khuất Việt Hùng: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe mang lại nhiều lợi ích
Báo Giao thông trao đổi với TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia xung quanh việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.
Sau 4 năm thực hiện quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, ông đánh giá ra sao về hiệu quả mà quy định này mang lại?
Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe chính thức có hiệu lực, người dân đều đồng tâm nhất trí, ủng hộ.
Thực tế cho thấy, tai nạn giao thông (TNGT) đến nay đã giảm rất sâu, tính cả số liệu thống kê từ ngành công an và ngành y tế.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công an, tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/12/2023, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ TNGT, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người.
So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết, tăng 660 người bị thương.
Năm qua, lực lượng công an các địa phương cũng đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm).
Điều đó đã góp phần kéo giảm số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính riêng 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ 7h ngày 7/2/2024 đến 7h ngày 14/2/2024, có 23.244 ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến TNGT. So với cùng kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số lượng nghi TNGT đến khám, kiểm tra giảm 12,1%, nghi TNGT nhập viện theo dõi điều trị giảm 8,4%, số ca tử vong nghi do TNGT giảm 22,4%.
Ngoài ra, các vụ việc tiêu cực do rượu bia gây ra như đánh nhau, bạo lực gia đình cũng giảm đáng kể.
Những lo ngại về việc ăn uống như ăn quả vải có nồng độ cồn cũng bị xử phạt chưa hề xảy ra.
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng uống rượu bia từ hôm trước nhưng sáng hôm sau tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện có nồng độ cồn. Từ đó, đề xuất điều chỉnh quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi cũng đọc một số ý kiến trên, họ cho rằng, uống rượu bia từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau còn nồng độ cồn, cảnh sát giao thông xử phạt là khắt khe.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trường hợp này xảy ra chỉ khi người uống đã uống quá nhiều rượu bia từ tối hôm trước bởi nếu uống vừa phải thì khẳng định có đến 99,99% trường hợp nồng độ cồn đã đào thải ra ngoài cơ thể sau 6-8 tiếng sử dụng.
Nếu nồng độ cồn còn trong cơ thể dù đã bước sang sáng hôm sau điều này chứng tỏ cơ thể, thần kinh của người lái xe vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nồng độ cồn.
Dù vừa uống rượu bia xong, hay đã uống từ 1-2 tiếng hoặc 6-8 tiếng mà nồng độ cồn vẫn còn trong cơ thể thì vẫn tác động đến thần kinh, sức khỏe của người lái xe, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông là như nhau. Do đó, lực lượng CSGT kiểm tra, phát hiện, xử phạt là đúng quy định và cần thiết.
Chúng ta phải điều chỉnh hành vi của mình sao cho đảm bảo sức khỏe tham gia giao thông vào ngày hôm sau nếu lỡ có phải uống rượu bia từ hôm trước, chứ không thể đổ lỗi do quy định không đúng được.
Vậy theo ông, khi nào thì có thể điều chỉnh quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe?
Theo quy định, nếu muốn điều chỉnh một quy định pháp luật nào đó phải có nghiên cứu, đánh giá nếu không mang lại lợi ích gì mà còn gây ra hệ lụy tiêu cực mới xem xét điều chỉnh.
Trong trường hợp này, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đang mang lại nhiều lợi ích, giúp kéo giảm tai nạn giao thông, giảm các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
Đồng thời, trong xã hội cũng đang dần hình thành văn hóa đã uống rượu bia không lái xe, người dân đã biết tự điều chỉnh trong việc sử dụng rượu bia sao cho phù hợp, dịch vụ vận chuyển hỗ trợ người uống rượu bia về nhà cũng hình thành và phát triển.
Chưa kể, tự bản thân mỗi người khi gặp gỡ bạn bè, hội họp cũng hình thành thói quen cử một người trong nhóm đi cùng không uống rượu bia để lái xe an toàn hoặc thay vì sử dụng đồ uống có cồn thì chuyển sang dùng đồ uống không cồn, bia không cồn.
Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Nếu sau một thời gian thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thực hiện quy định pháp luật tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và nhận thấy rằng cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới thì mới xem xét điều chỉnh.
Cảm ơn ông!
Bộ Công an cho biết, với điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực tế rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Lý giải, Bộ Công an nhấn mạnh điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều đặc thù.
Qua khảo sát từ nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong các nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng thứ tự cao trên thế giới (thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia). Cơ quan chức năng đánh giá đây là tỉ lệ rất đáng báo động.
Rượu bia còn là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu trong các vụ tai nạn, sự cố tại Việt Nam. Thống kê cho thấy hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về lái xe có người phạm tội trước khi gây án đã sử dụng rượu bia.
Đáng chú ý, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia. Do đó, Bộ Công an cho rằng, kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.