TS. Nguyễn Anh Vũ: Tiền nhàn rỗi như 'đập nước' đang chờ chảy vào các kênh đầu tư phù hợp
Mặc dù còn thách thức nhất định, song việc lãi suất tiết kiệm giảm sâu, đã đến lúc tiền nhàn rỗi tìm hướng ra phù hợp.
Mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và thế giới trong những năm sau đại dịch covid-19. Năm 2022 tăng đạt 8,02%, năm 2023 tăng hơn 5%.
Ông Vũ cũng cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với hơn 50% dân số trẻ trong độ tuổi 15-59 (nguồn Tổng cục Thống kê). Tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ dân số thành thị năm 2023 vào khoảng 38,1%. Mức độ hiểu biết về tài chính tăng; những thay đổi trong hành vi tiết kiệm và tiêu dùng cũng đã khác khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, và tận hưởng cuộc sống cũng nhiều hơn trước.
Từ đó cho thấy, cơ sở tạo ra tiềm năng cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, là kênh huy động vốn chính của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng đạt hơn 20 triệu tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2013, CAR đạt 13% trong giai đoạn 2013-2023).
Đáng chú ý, TS. Nguyễn Anh Vũ đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, hiện lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng lớn đang dưới 5%/năm. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức thấp liên tục trong giai đoạn 2014-2024 - dưới 3%..., sẽ là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng kích cầu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp.
"Theo tôi, NHNN có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", TS Vũ nói và cho rằng, CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, chủ yếu do tác động bởi hành vi của người tiêu dùng thay đổi từ xu hướng sử dụng thanh toán phi tiền mặt.
CASA có xu hướng tăng hoặc giữ ổn định ở mức cao, do tác động của công nghệ thanh toán và hành vi khách hàng. Năm 2023, ước tính tỷ lệ người dân sử dụng internet là 78,6%, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến là 61 triệu. Doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 205 tỷ USD vào năm 2023, CAR xấp xỉ 20% giai đoạn 2018-2023. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng… Từ đó, chi phí vốn của ngân hàng khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong một thời gian nữa sẽ là cơ hội cho ngân hàng giảm lãi suất đầu, đẩy mạnh cho vay.
Tiền nhàn rỗi đang tìm hướng ra
Theo TS. Trần Anh Vũ, lượng tiền gửi tiết kiệm năm 2023 đạt cao kỷ lục (13,5 triệu tỷ đồng) vào hệ thống ngân hàng, dù lãi suất đang ở mức thấp. Do đó, lượng tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng đang được ví như “đập nước” đang chờ chảy vào các kênh đầu tư phù hợp. Trong khi đó, hiện bất động sản đang giai đoạn trầm lắng, khó phục hồi ở vùng ven…, trong khi đó giá vàng trong nước cao hơn thế giới nhiều. Chứng khoán được xem là kênh đầu tư phù hợp, trong đó nhóm cổ phiếu vua được đánh giá có tiềm năng.
Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao hơn so với VN- Index trong 2022, 2023 và theo dự báo của ông Vũ, chưa hết tiềm năng trong thời gian tới. Dù trước mắt có khó khăn nhất định, nhưng ngân hàng chính là "huyết mạch" của nền kinh tế, nên khi kinh tế hồi phục, tín dụng tăng trưởng sẽ tác động lên tăng trưởng lợi nhuận của ngành này.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng đưa ra những lưu ý về thách thức đối với ngành ngân hàng như: Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng, do thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến nợ xấu tăng và ngân hàng cũng khó xử lý tài sản thu hồi nợ.
Nợ xấu được phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, trong đó những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có điều kiện xử lý tốt hơn. Bên cạnh nợ xấu thì sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối bảo hiểm của ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng, nhất là với những ngân hàng có nguồn thu lớn từ kênh bảo hiểm.