TS. Nguyễn Đình Cung: Quyền tự do kinh doanh phải là dòng chảy chính của cải cách
Tinh thần cải cách đã làm nên thành công của Luật Doanh nghiệp phải là dòng chảy chính trong nỗ lực cải cách thể chế của Việt Nam. Khi đó, chúng ta sẽ tự tin nói về một hệ thống thể chế thân thiện, vì doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển.
Bài học cải cách vẫn còn nóng hổi
Hội thảo kỷ niệm 20 năm Luật Doanh nghiệp diễn ra tại Hội trường lớn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cuối năm 2019 thu hút nhiều chuyên gia kinh tế kỳ cựu.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM; bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam... và nhiều gương mặt khác.
Tại chính đây, những năm 1998-1999, họ đã ngồi nhiều ngày, nhiều tháng để tìm kiếm cơ sở lý luận, thực tiễn, tranh luận từng đề xuất, ý tưởng, câu chữ mà sau này đã làm nên cuộc tái sinh và bừng nở chưa từng có cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Nhưng, họ trở lại đây không vì ánh hào quang cũ.
“Chúng tôi có mặt thời điểm đó, được giao nhiệm vụ đó và nỗ lực hết sức vì những đòi hỏi cải cách của nền kinh tế là một cơ hội lịch sử. Nhưng, tiếc là triết lý người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm - điều kiện cần và đủ để làm nên sự thành công của Luật Doanh nghiệp suốt 20 năm qua, vẫn chưa tràn ra khỏi phạm vi của Luật này”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, người được gọi là có công phôi thai và giữ lửa cải cách của Luật Doanh nghiệp nói.
Cảm giác thời gian trôi chậm khi ông nói đến quyền tự do kinh doanh. Chính phủ đang nhắc tới triết lý này trong nỗ lực cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp?
20 năm trước, Luật Doanh nghiệp 1999 đã làm thay đổi căn bản triết lý và khung tư duy về kinh doanh ở Việt Nam. Đó là trả quyền kinh doanh cho người dân, bỏ chế độ “làm gì cũng phải xin phép”. Hàng ngàn giấy phép không tên, có tên mà vô lý được bãi bỏ suốt 20 năm qua và tiếp tục được bãi bỏ.
Trước đó, nguyên tắc là “ai kinh doanh thì phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”. “Phép” ở đây không chỉ là giấy phép, mà có thể là bút phê của công chức một cơ quan nhà nước nào đó.
Nhưng để đánh giá triết lý này tác động đến doanh nghiệp, đến nền kinh tế thế nào, tôi dựa vào 4 yêu cầu để đo. Đó là, tăng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm, bảo vệ được quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ; tăng mức độ an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được luật pháp bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp.
Đáng tiếc, tuân thủ đúng pháp luật vẫn là một thách thức cho người kinh doanh.
Điều gì khiến ông nhận định như vậy?
Ra các trục đường ven đô, đường mới, mọi người có thể thấy những trạm bán xăng nằm kề nhau, mang thương hiệu khác nhau. Trước năm 2018, quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu không cho phép điều này. Tương tự như 20 năm trước, một đường phố ở Hà Nội không thể có 3 quán phở.
Cơ hội gia nhập thị trường của nhiều ngành đã mở, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác, người kinh doanh mới nhận được quyền tự do kinh doanh cái gì, còn kinh doanh như thế nào, bao nhiêu... thì vẫn chưa. Trong giấy chứng nhận đầu tư, Nhà nước vẫn ghi chấp thuận đầu tư bao nhiêu, công suất bao nhiêu... Hay điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ghi rõ chiều dài các cạnh của phù hiệu dán trên xe...
20 năm trước, chúng tôi đã đấu tranh để Nhà nước thấy đây là quyền của doanh nghiệp, họ sẽ quyết định trên cơ sở thị trường trong từng giai đoạn, chứ không phải việc quản lý nhà nước. Nên trong Luật Doanh nghiệp mới có quy định nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, quy định cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nộp thêm gì.
Nói thật, không phải tự nhiên có câu này. Hồi đó, chúng tôi tìm thấy các loại giấy chứng nhận đủ 18 tuổi, giấy chứng nhận không bị tâm thần, không phạm tội... trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Hỏi ra mới biết, để tuân thủ quy định là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, không bị bệnh tâm thần, không phạm tội... mới được lập doanh nghiệp, người dân phải đến cơ quan nhà nước, xin đủ loại giấy tờ.
Những cải cách này tưởng nhỏ, nhưng tác động vô cùng lớn. Nhiều cơ quan không còn quyền “hành” doanh nghiệp; quản lý nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Nhưng, ông đã từng nói, hậu kiểm là một trong những điểm chưa thành công của Luật Doanh nghiệp?
Tôi đành phải nói vậy vì thấy hiện tại, “hậu kiểm” là cứ để doanh nghiệp ra đời, sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt sau.
Thiết kế của chúng tôi không phải như vậy, mà theo nghĩa là kiểm soát rủi ro trên việc đánh giá mức độ an toàn và thực thi pháp luật của doanh nghiệp, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào nhóm có rủi ro cao.
Nhưng khi mang tư duy kiểm tra để phạt, sẽ không thể có cơ chế, chính sách dễ tuân thủ, chi phí thấp được. Cộng với hệ thống quy định dầy đặc, mỗi năm thêm cả chục luật, hàng trăm nghị định, thông tư, hàng ngàn công văn điều hành..., thì đúng là không ai an tâm kinh doanh được và không ít doanh nghiệp có tư duy đi tìm “ô dù.”..
Tham vọng tràn bờ
Ngày 1/7/2006, Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, với hai điểm mới nổi trội. Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh tới cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai là, thu hẹp thẩm quyền ban hành quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng.
Trong cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp khoảng 3 tháng sau đó, một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ là Tổ phó thường trực Tổ công tác đã khơi lại cuộc chiến giấy phép con với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. “Chính ở đây là nơi xuất hiện giấy phép con. Nếu các đồng chí không ban hành thì không có giấy phép ấy. Không thể để cứ ban hành rồi lại phải dọn dẹp đi”, vị lãnh đạo đã nói như vậy.
Phải nhắc lại, Tổ công tác của Luật Doanh nghiệp 1999 đã khởi xướng cuộc chiến này bằng việc đề xuất và được Thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận bỏ 84 giấy phép con vào ngày 3/2/2000.
Nhưng việc chỉ suôn sẻ trong 2 năm đầu, trước khi các bộ, ngành được giao chủ động đề xuất cắt giảm. Tính cả mấy vòng đời của Tổ công tác, gồm cả Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 sau này, dù có vài ngàn điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thì ách tắc trong môi trường kinh doanh vẫn còn.
Năm nay, ông Cung tiếp tục cảnh báo về những ách tắc do sự chồng chéo, không rõ ràng trong 10 luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, môi trường... Việc này đã nói vài năm, nhưng nếu không được gỡ, sẽ không thể trả lời được câu hỏi, năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế tới đây sẽ thế nào...
Theo kế hoạch, kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được thông qua. Có thể kỳ vọng vào bước cải cách mới về bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?
Cách đây 10 năm, khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, lần đầu tiên cơ chế đánh giá tác động văn bản (RIA) được thực hiện. Lợi ích, chi phí của các bên được đặt lên bàn. Khi đó, VCCI đã rà soát 800 văn bản và có một báo cáo rất dầy, nói rằng, nếu không sửa thì Luật Doanh nghiệp không thể thực hiện trọn vẹn.
Thực tế đã đúng như vậy. Doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi, nhưng không thể tồn tại nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh không thuận lợi tương ứng. Nếu lửa cải cách chỉ truyền trong Luật Doanh nghiệp là không đủ.
Tôi thấy rất rõ khi làm việc với các bộ, ngành về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành hai năm vừa qua. Họ phản ứng rất gay gắt, nhiều khi “một mất, một còn” với nhiều đề xuất cắt giảm của của chúng tôi.
Đây là hệ quả của việc, cơ quan thực thi lại được giao soạn thảo chính sách?
Khi đánh giá Luật Doanh nghiệp, chúng tôi tin là thành công, vì cơ quan được giao soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - không là cơ quan thực hiện các quy định này, nên không bị rào cản lợi ích chi phối, toàn tâm toàn ý cho mục tiêu cải cách.
Đây là điều mà chúng tôi muốn khuyến nghị Chính phủ trong thực thi các kế hoạch cải cách thể chế năm nay và những năm tới. Bên cạnh yêu cầu thực hiện RIA, Chính phủ phải “ra tay” trực tiếp, có bộ phận chuyên gia độc lập, có chuyên môn, không vụ lợi hỗ trợ để đảm bảo cải cách trong văn bản vào thực tiễn.
Cải cách Luật Doanh nghiệp phải đồng hành và kết hợp với cải cách, thay đổi hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành, hệ thống tòa án... Quan trọng là tinh thần cải cách phải thống nhất vì quyền tự do kinh doanh, thì mới tạo ra hệ thống thể chế thân thiện với thị trường, vì doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển.