TS. Nguyễn Đức Chinh, Nhà sáng lập Nông trại GenXanh: Bỏ bàn giấy về với nông nghiệp hữu cơ
Niềm đam mê nông nghiệp sạch đã thôi thúc TS. Nguyễn Đức Chinh từ bỏ công việc ổn định và cơ hội thăng tiến để tìm về với ruộng đồng.
Mô hình canh tác “5 không”
Chúng tôi gặp TS. Nguyễn Đức Chinh vào một ngày giữa tháng 3, khi anh đang tất bật thay cát ở bể lọc nước tưới để chuẩn bị cho vụ rau hè. Ở GenXanh, nước ngầm tại trang trại được lấy mẫu để xét nghiệm hàm lượng asen và kim loại nặng, sau đó được xử lý, lọc qua bể lắng, rồi mới được dùng để tưới cây.
“Làm nông nghiệp hữu cơ dích dắc lắm”, trong câu chuyện, nhà sáng lập sinh năm 1982 nhiều lần nói với chúng tôi như vậy.
Không chỉ chú trọng nguồn nước tưới, với mô hình nông nghiệp xanh cho thế hệ mai sau, GenXanh còn áp dụng quy tắc “5 không” khi canh tác. Đó là, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng và không giống biến đổi gen.
Nguồn phân bón hữu cơ được ủ thủ công từ phân chuồng và tàn dư thực vật, cỏ dại, trứng, vỏ chuối, cá… Nhờ vậy, trong giai đoạn giá nguyên vật liệu nông nghiệp tăng cao, GenXanh hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Đồng thời, cách làm này cũng giúp họ giữ được vi sinh vật và độ màu mỡ của đất, tránh tình trạng thoái hóa đất như khi dùng phân hóa học.
Với vấn đề sâu bệnh, nhà sáng lập GenXanh nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong mô hình hữu cơ là người sản xuất phải có tư duy chấp nhận ngưỡng gây hại kinh tế do sâu bệnh, vì không thể sạch sâu bệnh hoàn toàn như khi dùng thuốc hóa học. Tuy nhiên, GenXanh có những cách riêng nhằm hạn chế sâu bệnh, như trồng luân canh, xen canh, nuôi cây con trong nhà lưới để cây tăng sức chống chịu trước khi đưa ra trồng trên đồng ruộng, sử dụng các chế phẩm diệt sâu bệnh từ gừng, tỏi, ớt...; nhổ cỏ bằng tay, hoặc đậy bạt vào các khu vực đất trống để ngăn cỏ mọc.
Tôi tin rằng, khi nhiều người cùng tham gia, trào lưu nông nghiệp hữu cơ sẽ lan tỏa dần, trở thành xu hướng tất yếu của tương lai.
- TS. Nguyễn Đức Chinh
Mùa nào, thức nấy, khu đất rộng 2,5 ha của GenXanh luôn ngập tràn màu xanh. Mỗi tuần, nông trại cung ứng ra thị trường Hà Nội 4 - 5 tấn rau củ sạch và rau gia vị. Định kỳ vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, rau sạch GenXanh sẽ được vận chuyển trực tiếp từ xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đến tay khách hàng theo danh sách đã đặt trước; đồng thời bày bán tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trong nội thành.
Bên cạnh đó, GenXanh bước đầu đi vào chế biến sâu thông qua việc đầu tư giàn sấy lạnh. Từ đây, những mẻ su hào, cà rốt, su su, cải bắp, hoa cúc, hoa hồng sấy khô… đã bắt đầu được đưa ra thị trường.
Lan tỏa phương pháp nông nghiệp hữu cơ
Gây dựng GenXanh từ một mảnh đất hoang vào năm 2019, nhưng TS. Nguyễn Đức Chinh cho biết, anh đã trăn trở với nông nghiệp hữu cơ từ trước đó rất lâu. Trong thời gian làm việc tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, anh cùng đồng nghiệp tham gia một dự án trồng rau sạch phối hợp với nông dân huyện Hoài Đức (Hà Nội), do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Nhưng khi dự án kết thúc, người nông dân lại quay về phương thức sản xuất cũ.
Từ đó, nông nghiệp hữu cơ trở thành nỗi trăn trở, đeo đuổi anh trong suốt hành trình học tiến sĩ tại Nhật Bản. Tình cờ, trong giai đoạn này, anh đọc được cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Masanobu Fukuoka. Cuốn sách giúp anh nhận ra 3 vấn đề quan trọng: rau hữu cơ có thể sản xuất trên diện rộng; năng suất rau hữu cơ có thể ngang với rau bình thường; giá thành của rau hữu cơ không quá đắt đỏ.
Anh bàn bạc với vợ - chị Nguyễn Thị Duyên, thạc sĩ, cùng công tác với anh tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - tìm kiếm đất để triển khai mô hình trồng rau hữu cơ. Một thời gian sau, khi tìm được khu đất hoang ven bãi sông Đáy thuộc địa bàn xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), hai vợ chồng quyết định xin nghỉ việc để về khởi nghiệp.
Với nguồn vốn ít ỏi, vợ chồng anh Chinh cùng 2 người cộng sự nữa phải cố gắng để tiết giảm từng chi phí nhỏ nhất. Họ tự làm hàng rào, đào mương thoát nước, xây bể lọc, dùng thùng container làm nơi tập kết các loại rau, củ, quả để đóng bao gói, nấu nướng và ngả lưng sau những giờ làm việc.
Năm đầu hoạt động, đội ngũ GenXanh đối diện với vô số khó khăn, từ việc rau bị hỏng do ngập lụt, cho đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Vợ chồng anh Chinh cũng bị nhiều người nói rằng “có vấn đề”, khi từ bỏ công việc ổn định ở cơ quan nhà nước để về làm nông dân.
“Tôi luôn tin rằng, thất bại ở giai đoạn đầu chỉ là do mình làm chưa đúng, chứ không phải mình không làm được. Dù chỉ còn một cơ hội nhỏ nhất, tôi vẫn bám trụ với niềm tin ấy đến cùng”, anh Chinh chia sẻ.
Không phụ sự cố gắng của cả đội ngũ, GenXanh dần có nhiều khách hàng quen và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nông trại có riêng một hội nhóm khách hàng thân thiết trên Facebook lên tới hơn 4.000 thành viên, trong đó có những người đã đi cùng GenXanh từ ngày đầu thành lập.
Bên cạnh việc cung cấp nguồn rau chuẩn hữu cơ ra thị trường, nông trại còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Biết đến tính hiệu quả của mô hình rau hữu cơ do GenXanh triển khai, nhiều cá nhân đã tìm đến tham khảo, học hỏi. Anh Chinh tiết lộ, có chủ trang trại từ Nhật Bản đã tìm đến GenXanh để tham khảo cách chế tạo phân hữu cơ. Nhiều bạn trẻ và sinh viên các ngành nông nghiệp cũng tới GenXanh để học hỏi mô hình canh tác hữu cơ.
Hiện GenXanh đã có trang trại vệ tinh ở Sa Pa (Lào Cai), một trang trại ở Hòa Bình và có kế hoạch mở rộng dần mô hình trang trại vệ tinh. GenXanh sẽ hỗ trợ các trang trại này kỹ thuật canh tác, liên kết để cùng tiêu thụ sản phẩm.
“Một mình GenXanh không thể làm nông nghiệp hữu cơ, vì nguồn lực có hạn. Nhưng tôi tin rằng, khi nhiều người cùng tham gia, trào lưu nông nghiệp hữu cơ sẽ lan tỏa dần, trở thành xu hướng tất yếu của tương lai”, anh Chinh khẳng định.