TS. Nguyễn Đức Kiên: Động lực để chúng ta nỗ lực hơn nữa
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, việc Mỹ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (KTTT) không phải do nước ta chưa có nền KTTT, mà vì nhiều lý do khác.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện đã có tới 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận Việt Nam có nền KTTT, nhưng vì sao Mỹ, nền kinh tế lớn nhất lại chưa công nhận?
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Thực ra không chỉ bây giờ, mà nhiều quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền KTTT từ hàng chục năm trước. Như Singapore và các nước ASEAN công nhận từ 17 năm trước (2007); Australia, New Zealand, Hàn Quốc công nhận từ 14-15 năm trước (2008-2009), Nhật Bản từ 13 năm trước (2011), Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland từ 12 năm trước (2012), Canada, Israel từ 8 năm trước (2016), và mới đây là Anh quốc công nhận vào năm 2023…
Đây là những nước đã được công nhận là nền KTTT, và họ công nhận Việt Nam có nền KTTT xuất phát từ sự thật, với lợi ích chính đáng của DN Việt và người tiêu dùng nước họ trong quan hệ cùng có lợi với Việt Nam.
Do vậy, theo tôi việc Mỹ chưa công nhận nước ta có nền KTTT không phải do nước ta chưa có nền KTTT, mà chủ yếu do sức ép của một số nhóm lợi ích, không muốn hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của họ, và muốn sử dụng công cụ phi thị trường để gây sức ép đối với Việt Nam.
- Theo ông khi Mỹ không công nhận nước không có nền KTTT, sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam nói chung và DN nói riêng?
- Khi chưa công nhận Việt Nam có nền KTTT, Mỹ sẽ không công nhận những chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam, mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ áp thuế, thường cao gấp nhiều lần, thậm chí cao hàng chục lần mức thuế bình thường. Tóm lại, Mỹ sẽ tiếp tục phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, thông qua những cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ vẫn khả quan. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 97 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ và thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu từng ngành.
Mỹ tuy chưa nằm trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng “giá trị Mỹ” trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất lớn, nên họ cần phải tính tới hoạt động của các công ty đa quốc gia. Tiêu biểu là Pepsi Co và Coca Cola, 2 DN khổng lồ của Mỹ, nhưng khoản đầu tư của họ ở Việt Nam lại được tính theo trụ sở khu vực Đông Nam Á và đặt tại Singapore.
Các DN trong lĩnh vực điện tử, giày da, may mặc, có chuỗi sản xuất toàn cầu thì họ không đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức lập nhà máy trực tiếp, mà thường yêu cầu nhà cung cấp phải sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư vào các chuỗi giá trị như vậy có thể lên đến hàng chục tỷ USD…
Ở một góc nhìn khác khi “cửa nền KTTT” sẽ được mở ra trong tương lai gần, đó là vừa qua có tới hơn 40 tổ chức, cá nhân, hiệp hội DN, thương mại Mỹ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền KTTT, trong đó có những tổ chức rất uy tín, đại diện cho các DN Mỹ
- Theo ông, triển vọng về dòng vốn đầu tư FDI từ các DN Mỹ vào Việt Nam như thế nào sau công bố của phía Mỹ?
- Tôi cho rằng vẫn khá tích cực, cứ nhìn vào sự xuất hiện của các đoàn DN và các doanh nhân hàng đầu nước Mỹ đến Việt Nam thì thấy. Quan trọng nhất, đó là quan hệ song phương Việt-Mỹ hiện nay đang rất tốt. Việt Nam và Mỹ hiện đã chính thức nâng cấp mối quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Cùng với đó, triển vọng phục hồi tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam ở cả trước mắt cũng như trung và dài hạn, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Đặc biệt, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, kiên trì cải thiện trong suốt những năm qua. Một thí dụ rất thuyết phục là khi bắt đầu áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đã thiết kế gói chính sách riêng cho DN FDI…
- Ông có nói quyết định nào cũng thường có 2 mặt. Vậy khía cạnh tích cực của việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT là gì?
- Là tạo ra sức ép buộc chúng ta, cả các cơ quan quản lý nhà nước, lẫn cộng đồng DN tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là việc chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm, nhưng phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
Về lâu dài là vậy. Còn trước mắt họ chưa công nhận, không có nghĩa là sẽ không công nhận. Các cơ quan có liên quan, mà chủ chốt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để tiếp tục hoàn thiện lập luận, đặc biệt là yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ sớm xem xét lại quy chế KTTT cho Việt Nam.
Các cơ quan nhà nước cần đồng hành cùng các DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, để đảm bảo lợi ích cao nhất cho DN Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.
Việc Mỹ chưa công nhận nước ta có nền KTTT, không phải do nước ta chưa có nền KTTT, mà chủ yếu do sức ép của một số nhóm lợi ích, không muốn hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của họ, và muốn sử dụng công cụ phi thị trường để gây sức ép đối với Việt Nam. Nhưng đó cũng là động lực để chúng ta nỗ lực hơn nữa.