TS. Nguyễn Minh Phong: Sai phạm trong bối cảnh dịch bệnh phải áp dụng lỗi và xử theo luật thời chiến

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, việc xuất hiện những tình huống lạm dụng trốn thuế, chi thì chi sai chế độ.... phải xử lí nghiêm ngặt. Những trường hợp này trong bối cảnh dịch bệnh là nặng hơn bình thường, như kiểu thời chiến, mà lỗi thời chiến phải xử theo luật thời chiến.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có Báo cáo về công tác năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cho biết: Mặc dù nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa triển khai hoặc tạm dừng kiểm toán do ảnh hưởng của dịch Covid -19, song đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/9/2021 đối với 96 BCKT đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng (tăng thu NSNN 6.681 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.566 tỷ đồng). Đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.

KTNN đã chuyển điều tra dấu hiệu trốn thuế của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết

Cụ thể, với công tác quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hiện nay chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê. Như tỉnh Bình Phước còn 252 đơn vị với tổng diện tích 206.938.854 m2; Đắk Nông có 43 tổ chức thuê đất với diện tích đất 70.992.667 m2; thành phố Hải Phòng có 131 đơn vị với tổng diện tích 2.641.411m2…

Việc cho thuê đất nhưng chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước hoặc theo giá đất hiện hành; chậm tính và thu tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt giá đất...

Đặc biệt, một số doanh nghiệp kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (tỉnh Bình Dương); cá biệt, có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế TNDN một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp NSNN…

Cụ thể, tại Bình Thuận, Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký hợp đồng với 02 Công ty môi giới bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 01-02% giá trị bất động sản… Việc Công ty ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường (gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế TNDN phải nộp rất lớn - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, chi thường xuyên chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, nguồn kinh phí; quản lý, sử dụng nguồn viện trợ chưa đúng quy định; chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm; không sử dụng hoặc sử dụng tài sản chưa hiệu quả.

Thêm vào đó, quy định hướng dẫn việc sử dụng đất chưa thống nhất; giao kinh phí chi thường xuyên để thực hiện một số dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp chưa phù hợp; giao kinh phí cho biên chế vượt định mức Bộ Nội vụ giao, bố trí thêm định suất lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao, chưa được HĐND tỉnh thông qua...

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong

Đánh giá về điều này, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, cho rằng: Những hoạt động thu chi ngân sách là một trong những hoạt động quan trọng nhất của quản lí nhà nước, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh này.

Trong vấn đề dịch bệnh việc thu ngân sách có 2 điểm mới quan trọng lưu ý. Đó là chúng ta đang có xu hướng chung là giảm thiểu chi phí tài chính cho doanh nghiệp nên nguồn thu có thể bị sụt giảm và thứ 2, tốc độ thu không được như cũ vì phải thực hiện chế độ giãn chậm, hoãn nên các khoản thu không đều cả năm, dồn về cuối kỳ. Về chi ngân sách, điểm mới rất quan trọng đó là nhu cầu chi rất lớn, chi đột xuất, đặc biệt chi cho chống dịch bệnh bao gồm cả chống dịch bệnh và an sinh xã hội. Tất cả các điều đó làm áp lực ngân sách ra tăng.

Tuy nhiên trong bối cảnh này cũng xuất hiện một số tình huống lạm dụng, trốn thuế, lạm dụng thu không nộp ngân sách, chi thì chi sai chế độ. Tất cả những liệu pháp đó cần hiện diện và xử lí nghiêm ngặt.

"Tôi coi rằng những trường hợp này trong bối cảnh dịch bệnh phải nặng hơn bình thường như kiểu thời chiến, lỗi thời chiến phải xử theo luật thời chiến. Với tinh thần đấy thì những cái khuyến nghị, báo cáo của Kiểm toán nhà nước trong chức năng của mình là cần thiết, cũng như là căn cứ để cơ quan quản lí bịt lỗ hổng, cũng như sửa chữa những vi phạm mà đơn vị mắc phải.

Tinh thần chung là làm nghiêm, những đồng thời tránh hình sự hóa hoạt động dân sự, hoặc những hoạt động được phép trong vấn đề về thu chi ngân sách" - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Nói về việc chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm; không sử dụng hoặc sử dụng tài sản chưa hiệu quả, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đây cũng chính là một trong những kênh thất thoát tài sản công rất lớn, kéo dài và vẫn tiếp tục nhức nhối thời gian qua. Báo cáo KTNN chỉ là sự khẳng định thêm thôi, chứ thời gian qua có thể nhận thấy trên báo chí nêu về những vụ tài sản công, đất đai hàng chục năm nay bị chiếm dụng là rất nhiều, đặc biệt những vị trí vàng không thu hồi được.

Theo TS Phong, rõ ràng đây là một trong những kênh hiện nay phải làm quyết liệt, thậm chí phải làm quyết liệt hơn cả việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Bởi vì tài sản của nhà nước bỏ không đang bị lãng phí, mà có thể làm ngay, không cần phải đấu giá, đấu thầu, cổ phần hóa. Đây là một trong những giải pháp làm tăng thu ngân sách, cũng như hoạt động đầu tư xã hội mà cần phải ưu tiên tập trung chỉ đạo làm sớm, làm dứt điểm - TS Phong cho biết.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ts-nguyen-minh-phong-sai-pham-trong-boi-canh-dich-benh-phai-ap-dung-loi-va-xu-theo-luat-thoi-chien-post161133.html