TS. Nguyễn Tú Anh: 'Nguy cơ tỷ giá năm nay không quá lớn, NHNN hạ giá tiền đồng là để hỗ trợ xuất khẩu tránh mất thị phần'
Theo chuyên gia, nếu không có sự hỗ trợ về mặt tỷ giá thì doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ tiếp tục bị mất thị phần. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn thì cần cân đối giữa việc nới lỏng tỷ giá ở một mức độ nào đó để đảm bảo hỗ trợ cho hàng xuất khẩu mà vẫn ổn định vĩ mô mà không để dòng vốn đầu tư nước ngoài rút đi.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNH), hiện tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 4/9 đang giao dịch ở mức 23.977 đồng, tăng khá mạnh so với thời điểm cách đây một tháng.
So với cuối năm 2022, tính tới ngày 30/8/2023, VND giảm 2,2% so với đồng USD, dù đây là mức giảm không quá lớn, song nhiều chuyên gia lo ngại, tỷ giá sẽ biến động mạnh như năm ngoái khi có lúc mất giá đến 9% và kết thúc năm rút ngắn lại khoảng cách mất giá khoảng 3,5%.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, (BVSC) cho rằng, không chỉ VND mà nhiều đồng tiền vẫn duy trì diễn biến giảm so với đồng USD trong tháng 8 này. Trong đó, đồng Yên của Nhật Bản là đồng tiền có mức mất giá lớn nhất 10,1%, Ringgit của Malaysia mất giá 5,1%, Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,7%,... Ngược lại, đồng Bảng Anh vẫn đang lên giá mạnh (4,7% YTD) nhờ chính sách tiếp tục tăng lãi suất.
Các chuyên gia từ BVSC đánh giá, lạm phát thế giới, đặc biệt là giá nhóm thực phẩm có dấu hiệu tăng trở lại, khiến lo ngại Fed phải duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, thậm chí có thể thực hiện thêm một lần tăng lãi suất từ nay tới cuối năm. Điều này đã khiến cho chỉ số DXY tiếp tục có diễn biến tăng (tăng thêm 1,74% so với cuối tháng trước và đang ở vùng đỉnh 5 tháng).
Nới lỏng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu
Đánh giá về những áp lực tỷ giá với Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh năm ngoái và năm nay rất khác nhau nên không cần quá đáng ngại về vấn đề USD tăng giá.
Năm ngoái, NHNN phải tăng lãi suất vì áp lực của thị trường khi tỷ giá tăng quá cao. Khi đó, NHNN đã phải can thiệp và đưa dự trữ ngoại hối ra, đồng thời nâng lãi suất lên để hút tiền về.
Năm nay, NHNN sử dụng đồng bộ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, đưa tiền ra để lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh. Với việc lãi suất giảm mạnh như vậy mà NHNN không can thiệp vào thị trường tỷ giá thì VND mất giá đôi chút cũng là đương nhiên.
Dù vậy, điều này cũng có lợi cho xuất khẩu, hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp tình trạng bị mất thị phần.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi các thị trường mà chúng ta xuất khẩu sang như Mỹ hay EU họ vẫn có sự tăng trưởng kinh tế. Như vậy, rõ ràng hàng hóa Việt Nam đang bị mất thị phần vào một số đối thủ khác, ông Tú Anh phân tích.
Theo ông, trong bối cảnh, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam đang bị ảnh hưởng thì để hỗ trợ một phần cho xuất khẩu, cần có sự nới lỏng nhất định về mặt tỷ giá. Cách điều hành tỷ giá hiện nay của NHNN rất đúng hướng, một mặt vừa hỗ trợ cho năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, vị chuyên gia này đánh giá.
"Ví dụ như Bangladesh hiện đồng tiền mất giá đến 23-28%, với các đơn hàng ở đây các nhà nhập khẩu sẽ có lợi nhuận thêm 10-15% nhờ yếu tố tỷ giá so với đặt hàng từ Việt Nam thì làm sao doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được", ông nói.
Nếu không có sự hỗ trợ về mặt tỷ giá thì doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ tiếp tục bị mất thị phần. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn với giá trị đầu tư nước ngoài rất cao. Vì vậy, cũng cần cân đối giữa việc nới lỏng tỷ giá ở một mức độ nào đó để đảm bảo hỗ trợ cho hàng xuất khẩu mà vẫn ổn định vĩ mô, không để dòng vốn đầu tư nước ngoài rút đi.
Ngoài ra, khi VND suy yếu đi một chút thì sẽ hỗ trợ cho quá trình hạ lãi suất. Hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ đang có sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất để đảm bảo làm sao tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Đồng quan điểm, các chuyên gia BVSC cũng cho rằng, ưu tiên hiện tại của NHNN là hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có phần ngược lại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed, nên có thể khiến đồng VND ở một số thời điểm có diễn biến giảm nhanh.
Nhưng với áp lực từ đồng USD không lớn như năm 2022, rủi ro với tỷ giá sẽ không mạnh như giai đoạn cuối năm ngoái. Việc giảm giá của đồng VND cũng có thể còn hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa trong các tháng còn lại của năm.
Đặc biệt, với việc Fed đã có kế hoạch hạ lãi suất trong năm 2024, diễn biến tăng của USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022.
20 tỷ USD thặng dư thương mại là yếu tố hỗ trợ rất tốt
Một yếu tố nữa theo chuyên gia có thể hỗ trợ cho NHNN trong điều hành tỷ giá chính là thặng dư thương mại năm nay cao kỷ lục, 8 tháng đã đạt khoảng 20 tỷ USD. Mặc dù, giá trị thặng dư thương mại không phải do sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tốt lên mà là do nhập khẩu giảm mạnh nhưng thặng dư 20 tỷ USD cũng là bệ đỡ đáng kể cho điều hành tỷ giá.
Năm ngoái, NHNN đã phải bán tới 25 tỷ USD trong khoảng 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Trong khi năm nay, với việc thặng dư thương mại 20 tỷ USD, NHNN cùng lúc đạt được hai mục tiêu: Tăng mua ngoại tệ vừa để tăng tỷ giá để VND cạnh tranh hơn lại có thể đưa tiền ra tăng thanh khoản cho hệ thống, hỗ trợ cho việc hạ lãi suất.
Đây là hai chính sách đang đi cùng hướng với nhau, vừa hạ lãi suất, vừa tạo thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng.
Các chuyên từ VNDriect cũng cho rằng, tỷ giá VND năm nay sẽ được hỗ trợ tốt hơn so với nửa cuối năm 2022 nhờ thặng dư thương mại duy trì mức cao hơn, cao gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ cũng là những yếu tố hỗ trợ tốt cho tỷ giá.
Vì vậy, VNDirect cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá 2,0% so với đầu năm 2023.