TS Nguyễn Viết Chức: Văn hóa góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

TS Nguyễn Viết Chức khẳng định, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với đường lối ngoại giao văn hóa 'ngoại giao cây tre' đã giúp chúng ta khẳng định vị thế sức mạnh, uy tín và danh dự Việt Nam nói chung và con người Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục).

TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

+Năm 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, nhìn lại một chặng đường dài phát triển, ông có thể cho biết ngành Văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?

-Với những người làm văn hóa, ngày 28/8 là một ngày có ý nghĩa rất đặc biệt, chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi ngành Văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Bởi, ngay từ khi còn khó khăn chưa có chính quyền, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã được hình thành và ra đời. Chúng ta thấy rằng, dù trong bối cảnh đất nước đang phải tập trung cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Đảng đã rất quan tâm đến văn hóa. Điều đó đã thể hiện văn hóa có một vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong niềm vui và phấn khởi ấy, đến ngày này những người làm văn hóa cũng cần phải nhìn lại xem chúng ta đã và đang làm được gì, cũng như ngành Văn hóa đã làm được gì trong chặng đường 79 năm vừa qua.

Đối với chặng đường cách mạng, chúng ta cũng đã rõ, khi nào văn hóa được đề cao, được chú ý đúng mức thì bao giờ cũng có thành công lớn. Có thể thấy, với quan điểm đúng đắn của Đảng đã dẫn dắt tiến trình cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và phải khẳng định văn hóa cũng là một trong những yếu tố quyết định góp phần vào thắng lợi đó. Đây cũng là một nhân tố khiến các nước đế quốc không thể hiểu được tại sao thất bại tại Việt Nam, mặc dù sức mạnh về quân sự, sức mạnh về kinh tế Việt Nam kém rất xa. Mãi về sau, họ mới nhận ra rằng, thua Việt Nam vì sức mạnh văn hóa Việt Nam. Đó chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Còn cho đến giai đoạn hiện nay, văn hóa đã có một chặng đường phát triển rất tuyệt vời, những người làm văn hóa cũng như nhân dân đã biết kế thừa một cách sáng tạo những truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam dù trong giai đoạn nào cũng đã phát huy rất tốt tinh thần đoàn kết, chia sẻ, thương thân thương ái. Điển hình như trong dịch bệnh Covid-19, lũ lụt ở miền Trung,… người dân Việt Nam chúng ta đều đoàn kết, chia sẻ với nhau khiến cho bạn bè quốc tế phải nể phục và ngưỡng mộ. Cùng với đó, tinh thần "uống nước nhớ nguồn" cũng luôn được dân tộc Việt Nam phát huy, đối với những người có công với cách mạng, với đất nước, Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn. Với tầm nhìn và góc nhìn văn hóa của tôi đây cũng thể hiện tinh thần văn hóa rất lớn của dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Đặc biệt trong vấn đề đối ngoại, có thể khẳng định rằng, văn hóa góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với đường lối ngoại giao văn hóa "ngoại giao cây tre" đã giúp chúng ta khẳng định vị thế sức mạnh, uy tín và danh dự Việt Nam nói chung và con người Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Chúng ta đã trở thành những đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…

Bên cạnh đó, nhận thức về văn hóa của nhân dân ta ngày càng sâu sắc hơn, không chỉ quán triệt đường lối của Đảng và Nhà nước mà trong nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều, đã đánh giá cao về vai trò của văn hóa đối với xã hội. Đặc biệt, sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa, tất cả các cấp ủy đảng, từ trung ương đến địa phương đều nhận thức một cách sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó đưa ra các nghị quyết, chỉ thị riêng về phát triển văn hóa. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là một cố gắng rất lớn của ngành Văn hóa. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng phải thừa nhận rằng, hiện nay chúng ta cần phải chấn hưng văn hóa, phải có một chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

+Thời gian gần đây Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đến phát triển văn hóa, vậy theo ông, làm sao để văn hóa có được vị thế ngang hàng với chính trị, kinh tế?

-Trong thời gian gần đây, nhiều phát biểu của đồng chí lãnh đạo thường nói phải đầu tư cho văn hóa tương xứng với đầu tư kinh tế, quan tâm đến văn hóa phải tương xứng với quan tâm đến chính trị, kinh tế. Hay cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Đây như một sự khẳng định quan trọng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí của văn hóa đối với đất nước.

Theo quan điểm của tôi, chính trị - kinh tế - văn hóa là những bộ phận cấu thành nên một xã hội con người. Văn hóa được đặt ngang tầm với kinh tế, chính trị và được quan tâm đầu tư tương xứng sẽ thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực để khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới, khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên, chúng ta phải xây dựng được con người văn hóa tiêu biểu và chuẩn mực. Bởi hiện nay, văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu ngày cao của sự phát triển đất nước, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đó chính là "thiếu văn hóa". Rồi các vấn đề như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn chưa được ngăn chặn triệt để trong thời gian qua. Những vấn đề đó sâu xa đều liên quan đến văn hóa, chuẩn mực của con người.

Vậy nên, tôi cho rằng, nhiệm vụ chức năng quan trọng của văn hóa là cần phải xây dựng con người chuẩn mực trong thời kỳ mới. Và tôi nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Văn hóa cần phải khắc phục được việc chưa tập trung vào xây dựng con người, xây dựng con người và phát triển văn hóa cần luôn được song hành với nhau, từ đó sẽ tạo ra một xã hội phát triển.

Song song với nhiệm vụ xây dựng con người, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta phải thay đổi nhận thức văn hóa không chỉ "tiêu tiền" mà văn hóa còn làm được "ra tiền", góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Chính vì thế, trong giai đoạn đổi mới hiện nay, khi phát triển văn hóa cần phải chú trọng vào phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên đây cũng là một giai đoạn khó khăn, không dễ dàng nên tôi cho rằng, toàn ngành Văn hóa, những con người đang làm văn hóa cần phải tập trung tinh thần sáng tạo, ý chí vượt qua khó khăn để quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, văn hóa nói chung ngày càng vững mạnh trong thời gian tới, góp phần đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị.

+Văn hóa gắn liền với sự ra đời cũng như trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nói như vậy để thấy văn hóa đã có từ rất lâu và 79 năm chỉ là một mốc nhỏ trong hành trình ấy. Vậy là một người cũng có nhiều tâm huyết dành cho văn hóa, cho đất nước, ông có kỳ vọng gì ở ngành Văn hóa trong những chặng đường phía trước?

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

-Như tôi đã chia sẻ và khẳng định, Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam trong giai đoạn phát triển nào cũng đều rất quan tâm và luôn đề cao vai trò của văn hóa. Và hiện nay, chúng ta đang có một đội ngũ làm văn hóa đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đang ngày càng cố gắng học hỏi phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chức năng của ngành Văn hóa trong giai đoạn mới. Khi tiếp cận với thế hệ làm văn hóa hiện nay, tôi đã thấy được điều đó.

Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam ta cũng đang ngày càng quan tâm và đề cao vai trò của văn hóa hơn trong xã hội. Chính vì thế, chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng rằng, trong chặng đường phía trước, văn hóa sẽ phát triển rất tốt, xây dựng được con người chuẩn mực, chương trình mục tiêu phát triển văn hóa sẽ đạt những hiệu quả rất tích cực. Từ đó, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thật sự hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8), tôi xin chúc cho những người làm văn hóa luôn vui vẻ, hạnh phúc và luôn có tinh thần vượt khó để trau dồi bản thân, quyết tâm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vững mạnh trong thời gian tới.

+Xin cảm ơn TS Nguyễn Viết Chức đã chia sẻ!

Thương Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ts-nguyen-viet-chuc-van-hoa-gop-phan-nang-tam-vi-the-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te-20240821212440043.htm