TS Trần Đình Thiên: 'Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh'

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện lễ phát động chiến dịch 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh'.

Ông nghĩ gì về chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh" vừa được Vingroup phát động với sự kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chuyển đổi xanh?

Sau chiến dịch phải truyền được cảm hứng mạnh mẽ cho cả xã hội, đúng như tinh thần mãnh liệt.

Phải mang tính chất đánh thức, vì việc này phải thay đổi lối sống và gắn với một cuộc đua tranh đầy thách thức với thế giới. Không chỉ là việc làm cũng được, không làm cũng được.

Đây là thách thức, mình không làm sẽ bị loại khỏi cuộc đua. Phải tạo ra cảm hứng xã hội, lan tỏa ý thức xã hội.

Thứ hai là để thức tỉnh về giá trị mới, lối sống khác, tâm thế một cuộc đua toàn cầu cho mỗi doanh nghiệp và cho cả Nhà nước.

Ông có thể lý giải sự thức tỉnh ở đây được hiểu như thế nào?

Hiện nay Việt Nam cũng có cam kết mạnh về phát triển xanh, có cam kết chương trình hành động quốc gia.

Tuy nhiên phải nói, cơ bản Việt Nam vẫn trong trạng thái Nâu, nhận thức về thực chất khái niệm xanh, cơ chế vận hành, giá trị của xanh chưa rõ. Đặc biệt cách chuyển từ Nâu sang Xanh là chưa đầy đủ.

Vậy cách làm của VinFast hay VinGroup hôm nay giống như lời hiệu triệu đánh thức tất cả. Phải chung tay hành động. Phải có cùng nhận thức xã hội.

Đồng lòng nhất trí, cam kết biến thành hành động. Đó là khái niệm thức tỉnh của ngày hôm nay.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại sự kiện chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh". Ảnh: VinFast.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại sự kiện chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh". Ảnh: VinFast.

Sự kêu gọi chung tay của người dân liệu có thể gây hiểu nhầm là kêu gọi ưu tiên hay ủng hộ một doanh nghiệp cụ thể không?

Bắt đầu phải là những hành động cụ thể. Nếu mà là doanh nghiệp thì những hành động đó gắn với lợi ích sống còn. Đó là điều bình thường.

Nhưng hay ở chỗ, điều mà VinFast làm hôm nay lại hòa vào, đặt chung lợi ích chung, hướng tới cam kết quốc gia, chứ không chỉ đặt VinFast lên ưu tiên.

Tương lai xanh là một giá trị xã hội. Một mình VinFast không làm được, đơn độc không làm được. Cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành của người tiêu dùng để thay đổi nhận thức xã hội.

Nếu người này làm, người kia không làm thì thách thức hiện ra ngay. Khi ta cùng hành động thì sự thách thức ấy lại thành cơ hội, thành lợi ích.

Nếu ta không chung tay thì chẳng có ai nhận được lợi ích và thách thức hiện ra và có thể đè bẹp tất cả chúng ta.

Không phải đồng lòng để giúp VinFast mà vì một tương lai chung, vì giá trị phát triển chung. Tôi nói rằng, chuyển đổi xanh là thách thức sống còn và phải làm. Ai không nhận thức được thì tự chịu thiệt hại.

Ở góc độ quản lý Nhà nước thì cần giải pháp gì để thúc đẩy tinh thần chuyển đổi xanh thực sự mãnh liệt?

Thay đổi từ Nâu sang Xanh là thay đổi cả một thời đại. Mỗi người thêm một chút nỗ lực mỗi ngày, bớt đi một túi nhựa, bớt đi một hành vi đổ rác bừa bãi, hay lựa chọn một phương tiện giảm phát thải, thì ta sẽ đạt được mục tiêu ấy.

Ngay cả với Nhà nước, phải thể hiện tinh thần không chỉ vì mỗi VinFast mà vì giá trị xanh của cả dân tộc. Nếu suy nghĩ vì lợi ích doanh nghiệp sẽ làm méo mó động cơ và không khuyến khích họ hành động.

Nhà nước cũng phải đảm bảo doanh nghiệp tiên phong không chịu thiệt vì những người đi đầu hay phải gánh rủi ro, phải đối mặt với "bão tố".

Làm sao mà chính người đổi mới sáng tạo theo tinh thần chuyển đổi xanh phải được bảo vệ. VinFast là một ví dụ phải được ủng hộ.

Như Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ tập đoàn lớn vươn ra thế giới bằng những khái niệm "Made in Japan, Made in Korea". Phải có sự cam kết quốc gia như vậy thì mới tạo nên nghiệp lớn.

Kinh nghiệm thế giới về chính sách của Nhà nước để phát triển xe điện ra sao?

Phải nói Trung Quốc đã dốc toàn lực cho xe điện. Những chính sách của quốc gia này là định hướng để phát triển xe điện.

Với Việt Nam, như VinFast đang gặp cuộc cạnh tranh khốc liệt, các biện pháp của Nhà nước tôi tin rằng phải có sự thay đổi.

Hiện Nhà nước có quan tâm nhưng sự hỗ trợ là chưa đủ, ở góc độ kinh tế, những chính sách yểm trợ phải mạnh mẽ hơn nữa.

Chính sách ở đây có rất nhiều, như bảo lãnh, cho vay vốn, thậm chí có cam kết đây là thương hiệu, sứ mệnh quốc gia...

Tất cả những việc đó cần hiểu là hỗ trợ một sản phẩm Việt Nam cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc Việt Nam.

Việc đưa ra tuyên ngôn ủng hộ như vậy hoàn toàn không trái kinh tế thị trường. Tôi tin rằng thế giới cũng ủng hộ.

Tuy nhiên việc nhận được sự ủng hộ phải gắn liền với cam kết của doanh nghiệp về chất lượng, thị phần...

Nếu hai bên cùng có cam kết thì Việt Nam sẽ có một hình mẫu dẫn dắt quá trình phát triển, làm động lực để các doanh nghiệp Việt mang sản phẩm ra thế giới.

Đó là cách tôi nghĩ cần được triển khai trong giai đoạn tới để giúp VinFast có động lực mạnh tạo ra sự thúc đẩy cho mọi doanh nghiệp Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/ts-tran-dinh-thien-nha-nuoc-can-yem-tro-cho-doanh-nghiep-tien-phong-chuyen-doi-xanh-19224070212004865.htm