TS Trần Du Lịch: 'Giao thông TPHCM thế này, đừng bao giờ nói liên kết vùng…'
TS Trần Du Lịch cho biết, TPHCM đã có quy hoạch các đường vành đai 2, 3, 4 nhưng đến nay chưa tuyến nào hoàn thành và với thực tế như vậy thì không thể liên kết vùng để phát triển.
Sáng 5/5, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học…
Tại hội thảo, đi sâu phân tích các thách thức TPHCM đang đối mặt, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TPHCM là vấn đề mang tầm quốc gia. Việt Nam có phát triển được hay không phụ thuộc vào việc có tận dụng được động lực này hay không.
Theo TS Trần Du Lịch, TPHCM phải xem lại khả năng chống chịu trước những bất thường của nền kinh tế. Bất cập lớn nhất đối với TPHCM vẫn là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng quá chậm để giải quyết cho liên vùng phát triển.
“Vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 nhưng đến nay chưa có tuyến nào hoàn thành. Đường rộng bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch nhưng không ai làm. Giao thông như thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng” – ông Trần Du Lịch nhấn mạnh và cho biết nếu không đột phá hạ tầng giao thông để phát triển vùng thì TPHCM sẽ không phát triển được.
Chuyên gia này còn cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt, nhiều lần được hưởng các cơ chế đặc thù nhưng “chiếc áo” vẫn còn chật, hạn chế truyền thống năng động sáng tạo của thành phố.
TPHCM không cần cơ chế đặc thù mà cần nhất là các cơ chế chính sách phù hợp với siêu đô thị để phát huy tính năng động, sáng tạo, giữ và phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, trong 10 năm tới, TPHCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp từ 1,2-1,5 lần bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển TPHCM, là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TPHCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, TPHCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020, điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế TPHCM.
Với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đề ra mục tiêu trung và dài hạn như: đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030, TPHCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số,.. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ về tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay TPHCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
“TPHCM trân trọng mọi ý kiến và xem những ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học,… là động lực quan trọng để tiếp tục hoàn thiện mình hơn, sớm trở thành đô thị thông minh, TP sáng tạo, TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” – ông Phong nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, các tham luận tại hội thảo đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung các bài viết thể hiện sự phát triển của TPHCM cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công…
Hầu hết ý kiến cho rằng chỉ có con đường phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TPHCM làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” – PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận xét.