TS Trần Duy Khanh: Nhiều dự án khởi nghiệp của phụ nữ có ý nghĩa xã hội nhân văn
Tại lễ trao giải Cuộc thị chung kết khởi nghiệp cấp vùng các tỉnh khu vực phía Trung năm 2023, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC, Phó Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo - đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến cuộc thi và hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội.
PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các đề án dự thi tại khu vực miền Trung?
TS Trần Duy Khanh: Qua chấm thi ở cả 3 miền, cá nhân tôi đánh giá 22 dự án tham dự vòng chung kết phụ nữ khởi nghiệp cấp Vùng miền Trung đều là những dự án chất lượng cao, tương đối đồng đều về chất lượng, bám sát nội dung tiêu chí mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam đặt ra, đó là: Đề cao khai thác các tài nguyên bản địa; khả năng nhân rộng và phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế; giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ ở địa bàn dân tộc thiểu số.
+ Điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho ông?
- Điều đầu tiên là tôi rất trân trọng nỗ lực, cố gắng, sự nhiệt tình của chị em. Có những chị từ các vùng đất xa xôi, vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số để đến với Phú Yên tham dự cuộc thi này. Có lẽ chính bởi vậy nên nhiều dự án không chỉ mang tính kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng sát biên giới, có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc.
Trong vòng chung kết tại miền Trung lần này, các thí sinh đều đầu tư bài bản, chỉn chu từ hình thức bài thuyết trình đến kĩ năng trình bày trước đám đông. Hầu hết tôi đều nhận thấy một sự tự tin ở các thí sinh, trả lời nhanh, gọn, đúng trọng tâm và đảm bảo về mặt thời gian.
+ Ông nhận định thế nào về tính khả thi của các dự án này?
- Hiện đã có 3 sản phẩm lan tỏa trong nước và vươn tầm quốc tế. Các dự án còn lại hầu hết đều đã trên đà gây dựng và tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Hội LHPN, chúng ta sẽ khơi dậy và thu hút sự tham gia nhiệt tình đông đảo của các chị em. Từ đây, Hội LHPN cũng cần tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về kiến thức và kỹ năng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cũng như các hoạt động tuyên truyền phổ biến phát động cuộc thi, tập huấn xây dựng năng lực khởi nghiệp cho chị em phụ nữ để các sản phẩm có thể tiến xa hơn nữa
+ Chỉ còn ít ngày nữa, vòng chung kết Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra, ông có lời khuyên gì cho các thí sinh trước khi bước vào cuộc thi quan trọng này?
- Vòng chung kết cấp quốc gia sẽ là cuộc thi có tính cạnh tranh cao, vì vậy các thí sinh cần chuẩn bị thật kĩ hơn nữa đề án/dự án của mình. Chú ý thời gian thuyết trình ở vòng chung kết toàn quốc sẽ không nhiều như cấp vùng, nên tôi đề nghị các thí sinh chú ý thuyết trình đúng trọng tâm, phần vấn đáp cần đi thẳng vào nội dung câu hỏi, tránh vi phạm về thời gian để không bị trừ điểm.
Dù dự án nào đạt giải thì tôi cho rằng các chị/em đã chiến thắng chính mình khi dám vượt qua những định kiến giới để vươn lên làm chủ cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, các chủ dự án đã vững vàng hơn trên con đường khởi nghiệp của mình. Bên cạnh những thiên chức thường thấy như làm vợ, làm mẹ, các chị đã khắc họa vô cùng rõ nét ý chí và sự quyết tâm, khát khao cháy bỏng của người phụ nữ Việt Nam trên con đường khởi nghiệp. Vì vậy hãy cứ tự tin và chuẩn bị thật tốt để cùng phụ nữ ba miền tỏa sáng tại vòng chung kết phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc năm 2023.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Ông!