TS. Trần Thị Hồng Hạnh: Một trong 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á
TS. Trần Thị Hồng Hạnh được vinh danh vì những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực nghiên cứu 'Dấu vân tay' của dược liệu Việt Nam.
TS.Trần Thị Hồng Hạnh sinh năm 1979, đạt học vị Tiến sĩ năm 2016. Tên tuổi của TS. Trần Thị Hồng Hạnh được ghi nhận ở lĩnh vực Khoa học cuộc sống. Hiện cô đang công tác tại Viện Hóa sinh biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chuyên ngành hóa học các hợp chất thiên nhiên, hóa dược liệu.
TS Trần Thị Hồng Hạnh – người đam mê những sắc ký ngón tay làm nên thành tựu khoa học. Ảnh: @Google.
1 trong 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á
Điều đáng nói là vào cuối tháng 6/2020, Tạp chí Asian Scientist (Singgapore) đã công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á của năm. Trong đó, có 3 đại diện là các nhà khoa học nữ đến từ Việt Nam và TS Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong số 3 nhà khoa học đó.
Ở vị trí thứ 32 trong top 100, TS. Trần Thị Hồng Hạnh đã nhận được giải thưởng cho nghiên cứu về việc sử dụng sắc ký ngón tay để đánh giá chất lượng dược liệu được bán thương mại tại Việt Nam. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay khi nhu cầu sử dụng dược liệu trong phòng bệnh và chữa bệnh ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Với công trình nghiên cứu của mình, TS. Trần Thị Hồng Hạnh và cộng sự đã sử dụng phương pháp nghiên cứu sắc ký để tách chiết, phân lập, xác định các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học từ các nguồn dược liệu, đồng thời sử dụng phương pháp sắc ký vân tay để xác định hàm lượng các hoạt chất, từ đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng dược liệu được sử dụng. Việc sử dụng các phương pháp sắc ký kết hợp với thiết bị, công nghệ hiện đại đã giúp quá trình nghiên cứu được thực hiện nhanh, chính xác, cho độ tin cậy cao góp phần nâng cao khả năng sử dụng các loại dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên một cách an toàn và hiệu quả.
TS.Trần Thị Hồng Hạnh sinh năm 1979, đạt học vị Tiến sĩ năm 2016. Ảnh: @Google.
Đam mê những "Dấu vân tay"
TS. Hạnh đã dành 10 năm để theo đuổi lĩnh vực hóa học các hợp chất thiên nhiên, hóa dược liệu biển và phát hiện nhiều hợp chất quý, điển hình cho nhận biết dược liệu. TS. Hạnh nói: "Hình dung đơn giản là ai cũng có dấu vân tay để nhận dạng và phân biệt, dược liệu cũng vậy. "Dấu vân tay" của dược liệu là những thành phần hợp chất có hoạt tính đặc trưng cho việc nhận biết".
Hiện nay, việc xác định chính xác các hợp chất hữu cơ có trong dược liệu còn nhiều khó khăn như: hàm lượng các chất có hoạt tính trong mẫu nhỏ, mức độ pha tạp giữa các chất có đặc điểm hóa học gần giống nhau rất cao, sự biến đổi của các chất trong quá trình tách chiết rất dễ xảy ra… Thách thức đối với nhà khoa học là xây dựng được quy trình tách chiết tối ưu; tìm được các hợp chất mới, có hoạt tính; xác định đúng hàm lượng của hợp chất có trong mẫu; đánh giá được mức độ an toàn của các hợp chất để từ đó mới định hướng phát triển được các loại dược liệu cho từng loại bệnh.
TS. Hạnh hy vọng các kết quả nghiên cứu này có thể được áp dụng trong việc đánh giá tính năng dược chất, hỗ trợ quản lý chất lượng và nguồn gốc dược phẩm, giải quyết vấn đề thuốc giả làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Ảnh: @Google.
Để đưa công trình xuất sắc này vào ứng dụng trong thực tiễn, TS. Trần Thị Hồng Hạnh mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đào tạo nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu sâu để hoàn thiện hệ thống cả lý thuyết và thực nghiệm ở quy mô thử nghiệm, công nghiệp và kinh doanh.
Nói tóm lại, kết quả nghiên cứu của TS. Trần Thị Hồng Hạnh có giá trị đóng góp cho việc chuẩn hóa phương pháp trong xác định đánh giá, tìm kiếm những những nguồn dược liệu mới cho Việt Nam và thế giới một cách bền vững, an toàn.