TS Trịnh Văn Chiến: Kiên trì, bền bỉ là yếu tố tiên quyết để nghiên cứu khoa học
Trong quá trình học tập và làm việc, Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến đã giành hàng loạt các giải thưởng lớn cả trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến (sinh năm 1989) là giảng viên, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) lọt top 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023.
Chân dung Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến là giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) lọt top 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến không giấu được sự vui mừng: “Việc được Thành đoàn Hà Nội công nhận và trao giải thưởng là một ghi nhận cho quá trình nỗ lực phấn đấu thời gian qua của tôi. Tôi rất tự hào vì những thành quả lao động của mình được xã hội công nhận. Đây sẽ là động lực giúp bản thân tôi cố gắng hơn nữa trên con đường nghiên cứu trong tương lai”.
Trước khi được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương là “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu”, thầy Chiến đã từng được nhận nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Từ đam mê đến dấu ấn trên bản đồ nghiên cứu công nghệ thế giới
Sinh ra và lớn lên tại xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, thầy Chiến đã bị thu hút và hứng thú khi được tiếp cận với các thiết bị điện tử và công nghệ, ở thời điểm đó, những thiết bị này còn khá "xa xỉ" với nhiều người.
Nói về cơ duyên đến với lĩnh vực công nghệ, vị tiến sĩ trẻ chia sẻ: “Khi tôi còn học cấp 3, được tiếp xúc với máy tính và sử dụng điện thoại, tôi đã rất tò mò và hiếu kỳ về cơ chế, cách thức hoạt động của các thiết bị này”.
Sự tò mò ban đầu ấy đã đưa thầy Chiến đến với lựa chọn ngành Điện tử viễn thông. “Tôi đã băn khoăn suy nghĩ với những câu hỏi: "tại sao hai người có thể nói chuyện được với nhau dù khoảng cách xa về địa lý", "làm thế nào để máy tính có thể gửi và nhận file"… Những câu hỏi này thôi thúc tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về công nghệ. Và tôi quyết định đăng ký dự thi, học ngành Điện tử Viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội”, thầy Chiến chia sẻ.
Đây chính là bước khởi đầu trên chặng đường nghiên cứu khoa học của vị tiến sĩ trẻ. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc về chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Điện và kỹ thuật máy tính của Đại học Sungkyunkwan.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại Hàn Quốc, thầy tiếp tục nhận học bổng và theo học chương trình tiến sĩ tại Thụy Điển. Năm 2020, thầy nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin của Đại học Linkoping (Thụy Điển).
Trước khi về nước công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy đã có gần hai năm là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Luxembourg, Luxembourg.
Trong quá trình học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, thầy đã có 51 bài báo khoa học; 3 chương sách thuộc các nhà xuất bản uy tín thế giới; 40 bài báo hội nghị quốc tế.
Đặc biệt, thầy Chiến từng đạt giải thưởng của Liên minh Châu Âu với những đóng góp xuất sắc cho dự án 5G; giải thưởng phản biện gương mẫu của tạp chí IEEE Wireless Communication Letters trong ba năm 2016, 2017, 2021.
Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến trong một buổi chia sẻ cùng sinh viên năm cuối Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC
Trở về Việt Nam vào năm 2022, Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến tham gia giảng dạy tại Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, thầy vẫn tiếp tục tập trung nghiên cứu, xây dựng nhóm nghiên cứu và hướng dẫn các bạn sinh viên làm nghiên cứu.
Tại đây, thầy Chiến vẫn tiếp tục nghiên cứu mạng 5G, 6G, ứng dụng công nghệ truyền thông IoT và nhúng.
Năm 2023, giảng viên trẻ này đã đạt giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu Vàng do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
Thành danh với nhiều nghiên cứu khoa học về công nghệ và mạng máy tính, nhưng ít ai biết được đằng sau những thành công đó là những lần thí nghiệm thất bại; là quá trình “mò mẫm, dò đường”, dù nhiều khó khăn, thử thách nhưng Tiến sĩ Chiến vẫn luôn bền bỉ với những thí nghiệm của mình.
Kiên trì và bền bỉ là yếu tố tiên quyết để nghiên cứu khoa học
Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến chia sẻ: Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa, không phải con đường nào cũng ung dung, nhẹ nhàng. Khi làm nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, trong đó quá trình thực nghiệm, tính toán kết quả là giai đoạn dễ khiến người nghiên cứu nản chí nhất.
Nghiên cứu là quá trình mò mẫm, dò đường và tìm ra kết quả. Khi nghiên cứu khoa học, phải đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu của bản thân là kết quả duy nhất và có tính mới hơn so với những công trình nghiên cứu trước đó.
Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến (bên trái) tại phòng nghiên cứu của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông . Ảnh: NVCC
Đôi khi phải tính toán thử nghiệm nhiều lần vẫn không thể cho ra được kết quả, cảm giác bí bách khiến người nghiên cứu cảm giác nản chí. Nhà nghiên cứu phải thực sự kiên trì và bền bỉ để có thể vượt qua khó khăn trong quá trình thực nghiệm.
Theo thầy Chiến, áp lực về mặt thời gian là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các nhà khoa học. Mảng công nghệ được coi là “hot trend” thu hút nhiều đội ngũ nghiên cứu không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới cũng đang quan tâm và nghiên cứu. Việc trùng lặp đề tài nghiên cứu có thể xảy ra và đôi khi bản thân phải chạy đua thời gian với các nhóm nghiên cứu khác.
Ngoài ra, thầy Chiến cho rằng việc ứng dụng công trình nghiên cứu vào cuộc sống cũng là một khó khăn, thử thách đối với một nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu trong trường đại học đa phần là các công trình nghiên cứu về hàn lâm, thiên về tính lý thuyết và xây dựng những mô hình thông qua mô phỏng. Về vấn đề thử nghiệm, trong trường đại học có thể đảm nhiệm được một phần, nhưng để đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng sâu rộng vào đời sống của của xã hội, của từng người dùng thì rất cần là sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Bởi từ góc nhìn của doanh nghiệp, nhà nghiên cứu sẽ hiểu được nhu cầu của xã hội là gì, nhu cầu của từng cá nhân là gì, để nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu tìm ra được giải pháp đúng và trúng với thực tế.
Mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là một điều quan trọng để cho công trình nghiên cứu được được ứng dụng vào đời sống một cách sâu rộng hơn.
Triển vọng nghiên cứu khoa học từ thế hệ gen Z
Hiện tại, Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến đang cùng các sinh viên của mình tiếp tục thực hiện nghiên về ứng dụng của thông tin vệ tinh cho 6G. Thông qua ứng dụng, các bạn sinh viên sẽ tích hợp các công nghệ xử lý tín hiệu, ứng dụng của AI, khoa học máy và trí tuệ nhân tạo vào mạng 6G trong tương lai.
Thầy Chiến (ở giữa) cùng các sinh viên tham dự Hội nghị quốc tế về Công nghệ tiến tiến cho Truyền thông - ATC 2022. Ảnh: NVCC
Thầy Chiến cho biết, việc ứng dụng công nghệ để chăm sóc sức khỏe cho người dân đang được quan tâm trong những năm gần đây. Thầy đang cùng một số sinh viên nghiên cứu ứng dụng các thiết bị IOT nhỏ gọn có thể phân tích và xử lý tín hiệu sóng não vào đời sống.
“Các bạn sinh viên mang trong mình sự nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ, góc nhìn của các bạn cũng mới mẻ và cởi mở. Đôi khi, chính góc nhìn và cách tiếp cận của các bạn sinh viên đã giúp tôi tìm ra hướng mới, giải quyết khó khăn trong nghiên cứu khoa học”, thầy Chiến cho hay.
Thầy Chiến nhận thấy bản thân đã học hỏi, trau dồi thêm nhiều kỹ năng hơn và trưởng thành hơn trong quá trình nghiên cứu và hướng dẫn các sinh viên.
Thầy cho biết: “Nhóm sinh viên của tôi vừa mới được giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ củaĐại học Bách khoa Hà Nội về ứng dụng của xử lý sóng não trong việc hỗ trợ người lái xe khi buồn ngủ, thiết bị chống ngủ gật khi lái sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông”.
Chia sẻ về dự án nghiên cứu này thầy cho biết, điều khiển phương tiện giao thông trong lúc buồn ngủ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông vì nguyên nhân này. Các sinh viên đã ứng dụng thành công công nghệ AI, IoT và sóng não vào thiết bị giúp người lái xe giữ được tỉnh táo trong quá trình tham gia giao thông.
Thầy Chiến đánh giá, sinh viên hiện nay rất cởi mở trong việc chia sẻ ý kiến cá nhân. Các bạn ấy sẵn sàng thể hiện quan điểm cá nhân, suy nghĩ của các bạn với các thầy cô, khoảng cách thầy và trò được rút ngắn và có thể thoải mái thảo luận về những vấn đề khó khăn còn vướng mắc. Đấy là một cái tín hiệu tích cực khi làm nghiên cứu khoa học.
Trong quá trình giảng dạy tại trường và hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu, thầy Trịnh Văn Chiến dành lời khen cho các bạn sinh viên trẻ hiện nay.
Khả năng sử dụng máy tính, ngoại ngữ của sinh viên hiện nay tốt hơn thế hệ đi trước. Đây là hai yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thầy Chiến nhấn mạnh thêm, sinh viên nên trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh của mình.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, tiếng Anh là ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng để các bạn bước ra thế giới, là cầu nối để các bạn trẻ tiếp cận được nguồn tài liệu chuyên ngành tại các nước phát triển. Về kế hoạch dài hạn, khi tốt nghiệp đại học, sinh viên có thể thể đi du học để tiếp cận chuyên sâu hơn về ngành hoặc các bạn cũng có thể tìm được một công việc tốt với mức lương như mong muốn trong lĩnh vực công nghệ”, giảng viên Trịnh Văn Chiến chia sẻ.
Thầy đánh giá cao kỹ năng làm việc nhóm và cập nhật khoa học công nghệ của các bạn trẻ hiện nay. Những kỹ năng này sẽ giúp các bạn phát triển và vươn cao trên con đường học thuật, nghiên cứu cũng như phát triển bản thân trong tương lai.
Các bạn học sinh, sinh viên và các bạn trẻ nói chung đang được sống trong một xã hội hiện đại và mở hơn, có nhiều cách tiếp cận với khoa học công nghệ, kỹ thuật. Thầy Chiến tin rằng: "Chỉ cần các bạn trẻ chăm chỉ, cố gắng và kiên định với mục tiêu của mình, cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn sẽ thành công và có khả năng đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng, phát triển xã hội và đất nước ngày càng phồn vinh hơn".