TS Trương Văn Phước: Tỷ giá sẽ không thể vượt mốc 26.000 đồng
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề tỷ giá không còn 'nóng' đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh USD đang đà suy giảm.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện nay không cần lo lắng về tỷ giá.
Theo TS Trương Văn Phước, tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 đồng bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7. Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index (DXY) sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.
“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của FED sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, TS Trương Văn Phước nhận xét.
Về mức mất giá gần 5% của tỷ giá từ đầu năm đến nay, TS Trương Văn Phước cho rằng, nếu xét về cân đối (cán cân thanh toán, lạm phát), VNĐ lẽ ra không nên mất giá 5% trong 1 quý. Nếu xem tỷ giá là "đường ruột" thì "kháng sinh" liều cao là lãi suất. "Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột”, TS Phước ví von.
Mặc dù vậy, TS Trương Văn Phước cũng cho rằng Việt Nam cần đánh giá lại chính sách duy trì lãi suất USD mức 0%, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn bị áp lực với tỷ giá.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam có thể tạm thời yên tâm với tỷ giá trong bối cảnh đồng USD trên thế giới đang trên đà giảm. Hiện nay, lãi suất qua đêm VNĐ liên ngân hàng cũng đã lên 5%, trong khi đó lãi suất đồng đô la Mỹ hiện ở mức 5,25-5,5%, chênh lệch đã thu hẹp khiến áp lực tỷ giá giảm khá lớn.
“Năm nay chỉ số DXY tăng giá trở lại do Fed trì hoãn giảm lãi suất; sức chống chịu, phục hồi của kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, 2 tuần vừa qua, chỉ số DXY đã giảm. Theo đó, VNĐ có thể tăng giá trở lại, dự báo chỉ mất giá 3,5-4% trong năm nay”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Về lãi suất, TS Cấn Văn Lực dự báo, dù Việt Nam là nước cắt giảm lãi suất sớm nhất trong khu vực châu Á, nhưng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục đi ngang đến hết năm và có thể cả năm 2025. “Xu hướng chung của thế giới là lãi suất giảm nhưng còn cao, rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Lưu Thủy