TT Australia thăm VN: Biển Đông trong quan hệ đối tác chiến lược

Thủ tướng Morrison có thể phải đối mặt với câu hỏi về sự nhất quán trong chính sách Biển Đông của Australia trong các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội.

Thủ tướng Australia Scott Morrison tới Hà Nội ngày 22/8 để bắt đầu thăm Việt Nam - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng Australia trong 25 năm qua. Đây cũng là một trong những chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Morrison sau khi tái đắc cử hồi tháng 5.

Chuyến thăm diễn ra sau hơn một năm từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành "đối tác chiến lược" vào tháng 3/2018. Trong vòng chưa đầy 10 năm, hai nước đã ba lần nâng cấp quan hệ, chứng kiến sự phát triển tích cực về thương mại song phương, cũng như chứng kiến những biểu tượng mới cho tình hữu nghị ra đời như cầu Cao Lãnh - dự án viện trợ đơn lẻ lớn nhất của Australia tại lục địa Đông Nam Á.

Song chuyến thăm của ông Morrison cũng diễn ra trong bối cảnh an ninh và sự ổn định tại khu vực đang bị đe dọa vì hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Bối cảnh đó khiến chuyến thăm, với chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào các vấn đề kinh tế - thương mại, sẽ càng có ý nghĩa quan trọng.

"Australia và Việt Nam có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Canberra (Australia), người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và khu vực, nói với Zing.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Scott Morrison tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Scott Morrison tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6. Ảnh: TTXVN.

Tại sao không lên tiếng về Biển Đông?

Hà Nội đón ông Morrison khi các tàu của Trung Quốc, bao gồm một tàu khảo sát địa chất và các tàu hải cảnh, dân quân biển hộ tống, đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía nam Biển Đông trong những tuần qua. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và ASEAN, đã lên tiếng phản đối các hành vi "bắt nạt", "đe dọa" và "cưỡng ép" của Bắc Kinh.

Tuy nhiên đến nay, Australia, đồng minh của Mỹ và cũng là thành viên nhóm "Bộ Tứ" (cùng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ) được "hồi sinh" với mục tiêu kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, đã không trực tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra sức ép cho ông Morrison trong các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, theo các chuyên gia.

Tiến sĩ Le Thu Huong, chuyên gia cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói rằng bà không thấy lý do nào để Canberra không thể đề cập đến vấn đề này, dù giọng điệu có thể không mạnh mẽ như Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Điều Việt Nam trông đợi cộng đồng quốc tế, mà Australia là một nhân tố then chốt trong cộng đồng này, là đứng lên nói thẳng về vấn đề, giống như Mỹ làm", vị chuyên gia nói với hãng thông tấn AAP của Australia.

Thực tế, Autralia không hoàn toàn im lặng, như tiến sĩ Huong và giáo sư Thayer cùng chỉ ra. Tuyên bố chung sau tham vấn cấp thứ trưởng Mỹ - Australia và tham vấn ba bên Mỹ - Australia - Nhật đã đề cập đến các hành động gây mất ổn định ở Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Australia là đồng minh hiệp ước lâu đời của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và sự thịnh vượng kinh tế của Australia "phụ thuộc không nhỏ" vào mối quan hệ này, theo giáo sư Thayer.

"Chính quyền Australia hiện tại phản đối lập luận rằng Australia cần chọn phe", vị chuyên gia nói. Do đó, ông cho rằng Canberra sẽ không một mình đứng lên phản đối sự hung hăng của Trung Quốc, mà thay vào đó sẽ phối hợp với Mỹ và những nước tương đồng như Nhật để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Tại Hà Nội, ông Morrison "có thể phải đối mặt với câu hỏi về sự nhất quán trong chính sách Biển Đông của Australia", tiến sĩ Huong viết cho mục Ý kiến của tạp chí AustralianFinancial Review hôm 21/8.

"Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ 'chiến lược' như thế nào nếu họ không thể dựa vào nhau trong vấn đề an ninh then chốt?", bà đặt câu hỏi.

Tàu hộ vệ Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia cập cảng TP.HCM ngày 19/4/2018. Ảnh: AP.

Tàu hộ vệ Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia cập cảng TP.HCM ngày 19/4/2018. Ảnh: AP.

Australia "xoay trục" về Đông Nam Á?

Theo giáo sư Thayer, trong 5 trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã xác định, có 3 lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác để duy trì môi trường ổn định ở Biển Đông.

Thứ nhất, về hợp tác chính trị, Australia có thể phối hợp với Việt Nam để chỉ ra các hành vi hung hăng của Trung Quốc, kêu gọi tuân thủ luật quốc tế. Thứ hai, về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên có thể tiến hành trao đổi đánh giá chiến lược, hỗ trợ xây dựng năng lực phòng thủ trên biển. Cuối cùng, theo ông Thayer, là hai bên có thể phối hợp tại các thể chế đa phương như ASEAN, Liên Hợp Quốc.

Địa bàn đối ngoại truyền thống của Canberra vẫn là các đảo quốc Thái Bình Dương xung quanh. Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng Morrison đã công bố chính sách "Pacific Step Up" (tạm dịch: củng cố Thái Bình Dương) sau khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở nên quan trọng với Australia.

"Australia đã luôn dành ưu tiên cho hai khu vực này trong các tuyên bố chính sách, nhưng trên thực tế, Đông Nam Á nhận được sự ưu tiên lớn hơn", giáo sư Thayer nhận định với Zing.vn. "Australia có những lợi ích kinh tế và an ninh thực chất tại Đông Nam Á".

Ông chỉ ra ASEAN (với tư cách một khối) là đối tác thương mại lớn của Australia, hơn cả Nhật hay Mỹ. Australia có những cam kết quốc phòng lớn với Malaysia và Singapore theo Các Thỏa thuận Phòng thủ 5 Nước (FPDA) năm 1971. Australia cũng là nước đầu tiên trở thành đối tác đối thoại của ASEAN vào năm 1974.

Khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở nên quan trọng với Australia. Ảnh: AFP.

Khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở nên quan trọng với Australia. Ảnh: AFP.

Đối với Canberra, tầm quan trọng của Việt Nam không chỉ nằm ở quan hệ song phương với Trung Quốc, mà còn ở chỗ Việt Nam đang ngày càng trở thành nhân tố then chốt về chiến lược và ngoại giao tại khu vực.

"Trong khi chuẩn bị nắm giữ ghế chủ tịch ASEAN năm 2020, cùng với ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, việc Việt Nam tiếp nhận khái niệm 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' như thế nào sẽ là điều rất quan trọng đối với tương lai của ý tưởng này", tiến sĩ Le Thu Huong viết trên Australian Financial Review.

Thương mại cũng là lĩnh vực mà Việt Nam và Australia muốn thúc đẩy, khi kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 14,5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2012. Hai nước đang đứng trước những cơ hội lớn khi Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), mà cả hai đều là thành viên, đã có hiệu lực từ cuối năm ngoái.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tt-australia-tham-vn-bien-dong-trong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-post981334.html