TT đông trùng hạ thảo: Thật, giả lẫn lộn
Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) giá trị cả tỷ đồng ở nước ngoài, nhưng tại các cửa hàng thuốc trong nước chỉ có giá vài triệu đồng cho 1kg. Dù bên ngoài có hao hao giống nhau, nhưng tùy theo xuất xứ nguồn hàng mà giá trị cũng khác. Người tiêu dùng không đủ kiến thức đông y nhiều khi phải bỏ cả trăm triệu để đổi lấy… xác thực vật.
Loạn giá
Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) - được ví như là chợ đầu mối thuốc đông y, một dược liệu quý như ĐTHT không quá khó để tìm mua. Nơi chúng tôi ghé hỏi đầu tiên là một cửa hàng nhỏ, bảng hiệu chỉ giới thiệu ngắn gọn là cửa hàng bán thuốc đông y.
Thấy khách hỏi, chị chủ cửa hàng tỏ ra rụt rè vì không có hàng sẵn. Chờ 10 phút, chị mang ra và giới thiệu hai loại. Loại thứ nhất được đóng góp sơ sài trong một hộp ván ép nhỏ, dạng nguyên con màu vàng sẫm. “Đây là hàng tự nhiên, lấy từ núi Tây Tạng (Trung Quốc). Mỗi hộp 40g, giá 1,9 triệu đồng. Bao đúng hàng cho em luôn”, chủ cửa hàng này khẳng định. Loại còn lại dạng sợi nấm, màu vàng, đựng trong lọ thủy tinh. Loại này do một doanh nghiệp Việt Nam nuôi nhân tạo. Mỗi lọ 10g có giá hơn 2,2 triệu đồng.
Ở cửa hàng thuốc đông y N.N. cách đó vài căn, cũng với nhu cầu tương tự, chủ cửa hàng giới thiệu chúng tôi cũng loại nguyên con, có lẽ cùng loại với cửa hàng trước đó mà chúng tôi xem. Có khác là được đựng trong túi ni-lông màu đỏ. Cửa hàng này cho biết: “Hàng có xuất xứ Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng là hàng tự nhiên được phơi khô đóng gói. Mua hai lạng (200g) là 8 triệu đồng, nếu mua lẻ thì 5 triệu đồng/lạng”.
Trong số hơn chục cửa hàng mà chúng tôi hỏi, chỉ duy nhất cửa hàng Y.N. có thêm các loại ĐTHT với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Loại nhỏ nhất bằng đầu đũa có giá 1,7 triệu đồng/50g, loại lớn gấp đôi có giá đến 15 triệu đồng/50g, loại còn lại cửa hàng này cam kết là loại đúng tự nhiên lấy từ núi Tây Tạng, có giá 13 triệu đồng/10g, tức cả trăm triệu đồng mỗi lạng.
Không chỉ có ĐTHT nguyên con bị “loạn giá”, mà các sản phẩm được bào chế từ ĐTHT như bột ĐTHT, ĐTHT dạng nước, ĐTHT dạng viên nang cũng có vài ba loại giá với một mặt hàng. Phổ biến nhất là Aloha, H.A Herbal, Maplelife Cordyceps, Nutriceps… với mức giá từ 400.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Tất cả sản phẩm này đều được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Mỹ và được chiết xuất 100% từ ĐTHT thiên nhiên.
Khó phân biệt
Được sự giới thiệu của một cửa hàng đông y, chúng tôi tìm gặp một người tên Tuấn (quận 5), được cho là đầu mối chuyên nhập khẩu ĐTHT rồi phân phối cho các cửa hàng bán thuốc tại quận 5. Tuy nhiên, anh Tuấn cho cho biết, giờ chỉ còn nhập ĐTHT mọc trong thiên nhiên theo nhu cầu của các khách hàng quen biết.
Loại này hiện rất hiếm, do ĐTHT thường mọc trên núi cao, nhiều năm qua bị thu hái nhiều nên số lượng còn rất hạn chế. Mức giá tại gốc vào khoảng 40.000 - 50.000USD/kg. Vì thế, nếu nói hàng tự nhiên mà mức giá rẻ hơn thì đích thị là hàng nhân tạo hoặc hàng giả từ xác thực vật.
Cũng theo anh Tuấn, nhìn bên ngoài, người có kiến thức đông y và tinh tường lắm mới nhận ra là hàng tự nhiên hay nhân tạo. Ngay cả hàng nuôi nhân tạo cũng có khi đã bị hút hết chất, chỉ còn xác khô. Đó là còn chưa kể, một số chủ cửa hàng còn trà trộn hàng giả vào hàng thật. ĐTHT giả thường được làm bằng bột hoặc xác thực vật, nhìn bên ngoài không khác biệt hàng thật là mấy.
Theo tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, người nhiều năm nghiên cứu tạo sinh khối ĐTHT, hiện chưa quốc gia nào trên thế giới nuôi được đông trùng hạ thảo mọc tự nhiên, còn gọi là Cordyceps sinensis. Sản phẩm nuôi cấy nhân tạo ở Trung Quốc là loại lên men với các nồi lên men lớn từ chủng Cordyceps sinensis.
Một số quốc gia còn lại như Thái Lan, Singapore… đã nghiên cứu và trồng thành công loại Cordyceps militaris (hay còn gọi là nhộng trùng thảo) có thành phần và tác dụng sinh học gần giống loại khai thác tự nhiên. Tất nhiên, hiệu quả sử dụng thì không bằng và giá cũng chỉ dao động 100 triệu đồng/kg.
Thế nhưng, đáng tiếc là các cơ sở trồng thành công rồi bán ra thị trường vẫn lấy tên ĐTHT. Chính sự “nhập nhèm” về tên gọi khiến cho loại dược liệu này trên thị trường bị làm giá. Còn người tiêu dùng mất tiền nhưng không mua được đúng thứ mình cần.