TT-Huế: Tín hiệu đáng mừng từ Nghị định 100 của Chính phủ
Sau một tháng thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ, số vụ TNGT xảy ra trước và sau dịp Tết trên địa bàn tỉnh TT-Huế do rượu bia giảm mạnh so với năm trước.
Đây là một chuyến biến tích cực góp phần xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh trong quần chúng nhân dân trong việc “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Như chúng ta đã biết, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trong đó đáng lưu ý là nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)…
Nghị định cũng ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/ 1l khí thở bị phạt tước Bằng từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước bằng)…
Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ. Theo đó, người điều khiển xe thô sơ có thể bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.
Thực tế, uống rượu bia rồi lái xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Với tình trạng lạm dụng rượu bia như ở Việt Nam, văn hóa uống hiện nay, nếu giảm được hành vi điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia thì tất yếu tai nạn sẽ giảm.
Điều đáng mừng là, hiếm có quy định pháp luật nào chỉ sau một thời gian rất ngắn triển khai thực hiện lại tạo ra chuyển biến tích cực như vậy. Sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông đã làm cho Nghị định 100 của Chính phủ nhanh chóng được “phủ sóng” đến người dân.
Nhiều cuộc liên hoan tất niên, nhiều đám cưới đã không còn hoặc giảm hẳn sử dụng đồ uống có cồn. Những năm trước đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, rượu, bia được đánh giá là một trong những mặt hàng nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2020 là hoàn toàn ngược lại.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia trên địa bàn thì năm nay, mức tiêu thụ mặt hàng này giảm rất mạnh. Và nếu như trước đây, trên bàn tiệc ít khi có việc nam giới chúc tụng nhau bằng ly nước lọc thì giờ đây chuyện đó là điều quá đỗi bình thường và được rất nhiều người ủng hộ.
Kết quả là các chỉ số TNGT được kéo xuống, các bệnh viện giảm hẳn áp lực cấp cứu TNGT liên quan đến rượu bia. Đây là điều mà Ủy ban ATGT quốc gia tin tưởng sẽ đạt được nếu thực hiện nghiêm quy định nghiêm cấm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Ngay khi Nghị định đi vào cuộc sống, với chế tài được cho là có sức giáo dục, răn đe lớn, có thể nói nghị định 100/2019 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều trường hợp bị lực lượng CSGT xử phạt với số tiền từ vài triệu đồng lên đến con số cao nhất 35 triệu đồng, tước bằng lái xe từ vài tháng đến mức cao nhất 23 tháng.
Cụ thể, sau 1 tháng đã xử phạt hơn 4.000 người lái xe vi phạm, phạt tiền gần 5 tỷ đồng. Mức phạt nghiêm ngặt cho lỗi vi phạm nồng độ cồn cùng với thái độ kiên quyết của lực lượng CSGT đã khiến nhiều “dân nhậu” lo sợ mỗi khi điều khiển phương tiện mà có sử dụng rượu bia. Đây là con số có phần không nhỏ từ việc chúng ta xử lý nghiêm tài xế uống rượu bia lái xe.
Từ (29 – 4 Tết) trên địa bàn tỉnh xảy ra xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông do va chạm, tất cả không có vi phạm về nồng độ cồn, giảm 05 vụ so với Tết 2019, (giảm 3 người chết, 3 người bị thương so với Tết 2019).
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, năm ngoái vào dịp Tết Nguyên đán khoa tiếp nhận rất nhiều ca TNGT mà nguyên nhân chủ yếu do bia, rượu. Thế nhưng trong dịp Tết Canh Tý 2020 tỷ lệ tai nạn do bia, rượu giảm từ 25 đến 30%. Đây là điều đáng mừng!
Thượng tá Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP.Huế cho biết, cùng với việc lập chốt cố định một số vị trí thì hiện nay, lực lượng CSGT đã tổ chức tuần tra kiểm soát lưu động, các cán bộ CSGT chia nhau thành từng tổ phối hợp với những lực lượng khác để di chuyển liên tục trên các trục đường. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng rượu bia thì yêu cầu dừng xe kiểm tra.
“Một khi đã sử dụng bia rượu thì người dân nên chọn cách nhờ người nhà chở về hoặc là sử dụng các dịch vụ xe ôm hay taxi chứ không nên tìm cách tránh CSGT, vì đây là bảo vệ tính mạng cho bản thân mình chứ không phải cho ai khác”, Thượng tá Lê Viết Phương chia sẻ.
Hi vọng cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định 100 của Chính phủ với các chế tài mạnh mẽ, sẽ góp phần cải thiện rõ rệt tình hình vi phạm trong lĩnh vực giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân…