TT Trump tiếp cận nước đôi với Iran, 'lên đạn' và dụ đàm phán
Quan điểm mâu thuẫn của ông Trump với Iran, khi cứng rắn đe dọa, lúc hòa dịu đề nghị đàm phán, làm phức tạp thách thức chính sách đối ngoại khác mà Mỹ phải đối mặt ở Trung Đông.
Tổng thống Trump từng nói Iran là mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông, một cường quốc hạt nhân mà ông sẽ kiềm tỏa thông qua các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp dụng cho một quốc gia.
Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ "đã lên đạn" để trừng phạt Iran nếu nước này chịu trách nhiệm về vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, ông Trump cũng háo hức muốn ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Iran. Ông từng hủy bỏ một cuộc tấn công quân sự hồi đầu năm nay vì có thể giết quá nhiều người Iran và dụ dỗ với kế hoạch cung cấp cho Tehran 15 tỷ USD để giúp đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đối đầu hay thỏa thuận
Hôm 16/9, tại Phòng Bầu dục, ông Trump nói với các phóng viên "chúng tôi không muốn gây chiến với bất cứ ai" và chưa đầy một giờ sau đó, ông nghĩ rằng cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào cơ sở dầu mỏ của Iran sẽ là phản ứng tương xứng.
Theo Washington Post, mâu thuẫn này giữ một logic nhất định trong quan điểm của ông Trump nhưng cũng cho thấy rõ sự thiếu quyết đoán và xáo trộn trong việc ra quyết định chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ.
Ông Trump kẹt giữa quyết tâm chính trị để đối đầu với Iran - điều sẽ làm hài lòng những nhân vật diều hâu trong đảng Cộng hòa, đồng minh Israel và Saudi Arabia - và bản năng chính trị của chính ông chống lại sự can thiệp của nước ngoài và hướng tới đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, sự bất ổn trong quan điểm của ông Trump đã làm phức tạp mọi thách thức chính sách đối ngoại khác mà Mỹ phải đối mặt ở Trung Đông, khiến Israel nhụt chí và góp phần dẫn đến sự ra đi của nhân vật diều hâu hàng đầu chống lại Iran trong chính quyền Mỹ, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Cách tiếp cận kép của ông Trump đối với Iran là tiền đề cho ý tưởng rằng bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 với Tehran và thay thế các nhượng bộ của hiệp ước bằng các biện pháp trừng phạt mới, tổng thống Mỹ có thể vừa làm hài lòng những người diều hâu vừa buộc Iran quay lại đàm phán cho thỏa thuận mang dấu ấn của ông Trump.
Các cố vấn cho biết ông Trump bị hấp dẫn bởi ý tưởng ông sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một tổng thống Iran kể từ những năm 1970. Ông đưa ra đề nghị chưa từng có tiền lệ kể từ khi nước cộng hòa Hồi giáo ra đời từ cuộc cách mạng chống Mỹ cay đắng năm 1979, nói rằng ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán mà "không cần ra điều kiện".
Các đồng minh chính trị cũng đã khuyên ông Trump rằng một cuộc tấn công quân sự có thể leo thang và làm mất lòng những người ủng hộ quan trọng, những người ủng hộ chiến lược "Nước Mỹ trên hết" với cam kết hạn chế sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài.
Mong muốn vượt qua người tiền nhiệm
Mặc dù ông Trump đã vận động tranh cử vào năm 2016 với lời hứa kết thúc những gì ông gọi là cuộc chiến bất tận, ông chưa đưa quân đội từ Afghanistan hay Iraq về nước và không muốn bước vào chiến dịch tái tranh cử năm tới với một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Các nguồn tin cho biết nếu tổng thống làm vậy, các đảng viên Dân chủ sẽ có thể lập luận rằng ông Trump đã tự mình bước vào một cuộc chiến.
Bình luận "đạn đã lên nòng" của ông Trump hôm 15/9 xuất phát từ mong muốn đối đầu với kẻ thù cứng đầu với sự cứng rắn lớn hơn, điều mà một cựu quan chức của chính quyền Mỹ nói rằng ông Obama đã không làm được.
Lời mời Iran tới đàm phán bắt nguồn từ suy nghĩ rằng ông Trump có thể mặc cả nhiều hơn so với người tiền nhiệm.
Chính ông Trump đã chỉ ra rằng thỏa thuận của ông sẽ khác với ông Obama như thế nào khi ông nói Iran muốn có một thỏa thuận.
"Chúng ta không thể để Iran có vũ khí hạt nhân và họ sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân. Nếu họ nghĩ về việc làm giàu uranium, họ có thể quên nó đi, bởi vì nó sẽ rất, rất nguy hiểm cho họ", ông nói.
Đây là lời nhắc nhớ về nhượng bộ trong thỏa thuận năm 2015 đối với chương trình làm giàu uranium ở mức độ thấp. Những người phản đối thỏa thuận nói rằng bất kỳ sự làm giàu nào cũng mang lại cho Iran một con đường cuối cùng đến vũ khí hạt nhân và ông Trump nói rằng ông sẽ đóng lỗ hổng đó.
Ông Trump chia sẻ sự khinh miệt đối với thỏa thuận đó với ông Bolton, Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo, cũng như những người diều hâu về chính sách đối ngoại mà ông tham vấn như Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham và Tom Cotton. Tuy nhiên, ông không chia sẻ sự hoài nghi rộng rãi của họ về việc đàm phán với Iran.
Quyết định về sự ra đi của ông Bolton vào tuần trước được đưa ra sau khi ông Trump suy nghĩ về khả năng chấm dứt một số lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran như cái cớ để đàm phán, một ý tưởng mà nhân vật diều hâu chống Iran không thể tiêu hóa nổi.
Hôm 16/9, ông Trump cho biết ông không có cuộc họp nào được lên lịch với Tổng thống Iran Hassan Rouhani khi cả hai nhà lãnh đạo sẽ có mặt ở New York vào tuần tới cho Đại hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc nhưng ông vẫn nhắc lại tuyên bố "họ muốn gặp mặt".
Iran đã công khai loại trừ một cuộc họp cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Hôm 11/9, ba ngày trước cuộc tấn công dầu mỏ ở Saudi Arabia, ông Trump có vẻ tự tin hơn.
"Tôi tin rằng họ rất muốn đạt được thỏa thuận" vì "khó khăn tài chính rất lớn" do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, ông nói. "Nếu họ làm như vậy thì rất tuyệt. Và nếu họ không thì cũng rất tuyệt", ông bày tỏ.