TTCK ngày 5/8: Khối ngoại bán ròng mạnh, VN-Index lao dốc gần 50 điểm

Mở cửa phiên thứ 2 đầu tuần (5/8), TTCK đón nhận thông tin không vui khi chứng khoán toàn cầu bị giảm điểm mạnh. Không thoát khỏi tâm lý tiêu cực chung của thị trường tài chính toàn cầu, áp lực bán đè nặng lên nhóm cổ phiếu VN30 khiến chỉ số trên các sàn đều lao dốc mạnh. Đáng chú ý, khối ngoại tăng bán ròng với gần 2.251 tỷ đồng.

Sắc đỏ bao trùm TTCK trong phiên ngày 5/8. Ảnh chụp màn hình

Sắc đỏ bao trùm TTCK trong phiên ngày 5/8. Ảnh chụp màn hình

Kết phiên, VN-Index mất 48,53 điểm, xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm, còn 1.188 điểm; HNX-Index giảm 8,85 điểm, xuống gần 223 điểm. VN30 cũng giảm mạnh gần 49 điểm, xuống còn 1.232 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1.189 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị thanh khoản hơn 26.500 tỷ đồng.

Trong đó, yếu tố bán ròng của khối ngoại cũng tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, chốt phiên chiều 5/8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.251 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, kế đến là FPT, MWG, STB, SSI, TCB, E1VFVN30, HD9, VP9, NKH... Ngược lại, VNM được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất, tiếp đến là VCB, HVN, MSN, HAX, DGW...

Với 734 mã cổ phiếu giảm điểm, tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên, góp phần giảm gần 20 điểm phải kể đến: VCB, BID, GVR, TCB, HPG, FPT, CTG, VIC, GAS, HDB.

Trước đó, trong phiên sáng, VN-Index giảm mạnh về mức 1.212,22 điểm (-1,97%); HNX-Index giảm 1,83%, xuống còn 227,33 điểm. Rổ VN30 bị phe bán chiếm đóng hoàn toàn với 30 mã đều chìm trong sắc đỏ. Khối ngoại cũng không ra tay đỡ thị trường, bán ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 444 tỷ đồng trong phiên sáng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng.

Lý giải cho TTCK ngày 5/8 "lao dốc không phanh", các chuyên gia nhận định, nguyên nhân yếu tố thị trường toàn cầu giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Có thể thấy, trên sàn chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Theo đó, Nasdaq Composite khép lại tháng 7 trong sắc đỏ, giảm 0,8%. Tuy nhiên, S&P 500 tăng 1,1%, còn Dow Jones tăng 4,4%, đánh dấu tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2023, trong bối cảnh nhà đầu tư chuyển sang các cổ phiếu mang tính chu kỳ của thị trường. Đáng lưu ý, chỉ số VIX đo lường biến động tâm lý của nhà đầu tư tăng mạnh lên gần 19, khi áp lực bán tại thị trường chứng khoán được đẩy lên cao trào.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất tại Mỹ giảm xuống 46,8 vào tháng 7, thấp hơn kỳ vọng là 48,9 và đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp suy giảm. Báo cáo sản xuất yếu và sự gia tăng đột biến trong các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế, dẫn đến động thái tránh rủi ro trên thị trường chứng khoán vốn ở vùng đỉnh lịch sử.

Khối ngoại liên tục bán ròng trong các phiên vừa qua. Ảnh chụp màn hình

Khối ngoại liên tục bán ròng trong các phiên vừa qua. Ảnh chụp màn hình

Tại kỳ họp FOMC định kỳ tháng 7, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 - 5,5%/năm như dự kiến, nhưng tuyên bố sau cuộc họp phản ánh khả năng ngày càng tăng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Mặc dù không cam kết thực hiện, nhưng bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã xác nhận kỳ vọng của thị trường rằng, đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên đang trong tầm ngắm, có thể sẽ kích hoạt một đợt tăng giá rộng hơn ở cả cổ phiếu và trái phiếu.

Với sự tự tin hơn nữa rằng lạm phát đang đi đúng hướng, các quan chức Fed đã trở nên nhạy cảm hơn với những rủi ro đối với thị trường lao động, đó là lý do tại sao rất có khả năng họ sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, thay vì một lần như dự kiến hồi tháng 6.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh, đặc biệt sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quay trở lại thực hiện việc bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ.

BOJ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,25/%năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2008, trong một động thái mạnh mẽ cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của cơ quan này vào sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và mối lo ngại về đồng yên yếu đi đáng kể. Thống đốc BOJ Ueda cho biết, sẽ thực hiện thêm các bước tiếp theo khi lạm phát tiếp tục khẳng định xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, BOJ công bố kế hoạch giảm dần việc mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB). Lượng mua hàng tháng sẽ giảm xuống còn 3.000 tỷ yên (19,9 tỷ USD) vào quý đầu tiên của năm 2026, so với tốc độ hiện tại là 6.000 tỷ yên.

Các động thái trên đã giúp đồng yên tăng giá trở lại, nhưng tạo ra biến động lớn với chỉ số chứng khoán. Chỉ số Nikkei 225 và Topix đều ghi nhận giảm mạnh trong tuần qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024. Ngược lại, giá trái phiếu tăng, dẫn tới lợi suất trái phiếu chuẩn JGB kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 1%, thấp nhất kể từ tháng 6/2024.

Với sự tác động của thị trường tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Diễn biến đi xuống của TTCK hôm nay đã phản ánh rõ nét, dù trước đó, nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 tích cực. Thế nhưng, dòng tiền ngắn hạn vẫn chưa vội chảy vào thị trường nên lực đẩy không đủ mạnh để duy trì đà tăng của chỉ số. Điều này khiến nhà đầu tư tiếp tục e ngại và thận trọng, thậm chí mất kiên nhẫn và bán cổ phiếu khi tài khoản dần bị bào mòn.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau 6 phiên hồi phục trở lại ngưỡng 1.250 điểm thì áp lực bán xuất hiện và một lần nữa, đẩy VN-Index về kiểm định vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm (MA200). Đây là lần thứ hai, chỉ số cần đến ngưỡng hỗ trợ này trong 2 tuần qua, cho thấy lượng cổ phiếu được tích tụ sau những phiên hồi phục được cung ra thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank, so với tháng 7, thị trường sẽ có chuyển động tích cực hơn trong tháng 8, nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh quý II/2024 khả quan dần thẩm thấu và các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước hỗ trợ như: Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới; chỉ số đồng USD giảm dần sức mạnh, áp lực tỷ giá hạ nhiệt và khối ngoại được kỳ vọng quay lại mua ròng; kinh tế trong nước có những tín hiệu tích cực hơn, lợi nhuận các doanh nghiệp có triển vọng duy trì đà tăng trưởng.

Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng so với lợi tức trái phiếu chính phủ đang tiếp tục đà thu hẹp, chủ yếu do mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm (khoảng 1%). Đặc biệt, sự phục hồi của các doanh nghiệp đang diễn ra trên diện rộng, thể hiện rõ nét ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính như bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ du lịch, giải trí, hàng và dịch vụ công nghiệp, tài nguyên cơ bản…

Với những yếu tố tích cực này, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, tháng 8 có thể là giai đoạn phù hợp để tích lũy cổ phiếu và cơ cấu danh mục đầu tư. Trong những tháng còn lại của năm 2024, thị trường có thể phân hóa mạnh hơn và xuất hiện nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn.

Thông tin nhóm ngành bị ảnh hưởng trong phiên giao dịch ngày 5/8. Ảnh chụp màn hình

Thông tin nhóm ngành bị ảnh hưởng trong phiên giao dịch ngày 5/8. Ảnh chụp màn hình

Nhịp điều chỉnh gần nhất của VN-Index không mạnh, nhưng mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn, trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2024 có mảng sáng lớn là lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tích cực.

Ngành tài chính nhiều khả năng tiếp tục là trụ cột quan trọng cho thị trường, trong đó phải kể đến nhóm ngân hàng, thích hợp đầu tư dài hạn. Đây là nhóm duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, với định giá P/B hiện tại hơn 1,5 lần. Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán với ngành dịch vụ tài chính đang có mức P/B 1,5 lần và P/E khoảng 16 lần, hấp dẫn so với lịch sử giao dịch 5 năm qua.

Ông Nguyễn Anh Khoa khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể quan tâm tới nhóm cổ phiếu có sự phục hồi về kết quả kinh doanh trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may…), bán lẻ. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu có định giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như ngân hàng cũng là lựa chọn phù hợp, động lực tăng giá cho cổ phiếu “vua” sẽ đến từ nhu cầu tín dụng dần tăng lên.

Nhìn chung, xu hướng điều chỉnh ngắn hạn từ tháng 6 đang tiếp diễn. Theo đó, trong ngắn hạn, chiến lược ưu tiên cho hoạt động quản trị rủi ro tiếp tục được nhấn mạnh. Các vị thế đầu tư cho trung và dài hạn đang đứng trước các cơ hội mới. Nhà đầu tư nên chú ý các nhịp điều chỉnh sâu để tìm kiếm điểm tích lũy thuận lợi nhất đối với các cổ phiếu tiềm năng nhờ nền tảng nội tại cơ bản vững vàng.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/ttck-ngay-58-khoi-ngoai-ban-rong-manh-vnindex-lao-doc-gan-50-diem-20240805143311278.htm