TTCK tháng 6: MAS dự báo VN-Index duy trì đà tăng, NĐT vẫn cần thận trọng áp lực chốt lời

Nhóm phân tích MAS kỳ vọng trong tháng 6 này, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng của tháng trước. Nhưng đồng thời, nhà đầu tư sẽ cần duy trì tâm thế thận trọng khi áp lực chốt lời có thể sẽ hình thành khi chỉ số sàn HOSE đang dần tiệm cận mức P/E trung bình 10 năm ở khoảng 1.320 – 1.340 điểm.

Lực cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư cá nhân trong nước dẫn dắt VN-Index phục hồi trong tháng 5

Sau nhịp điều chỉnh của tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại điểm cân bằng và phục hồi vào tháng 5. VN-Index đóng cửa tháng 5 ở mức 1.261,72 điểm, tăng hơn 52 điểm so với tháng 4, tương ứng tăng 4,32%.

Đáng chú ý, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể được xem là nhóm có hiệu suất giao dịch kém khả quan nhất trong tháng 5, góp phần làm giảm 5,5 điểm lên chỉ số chung. Các cổ phiếu ngân hàng chủ chốt như VCB (-4,39% so với tháng 4), BID (-4,27%) và CTG (-2,74%) đều cho thấy tín hiệu suy yếu. Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua xu hướng chung của ngành, với LPB (tăng 23,44%), ACB (tăng 9,3%) hay TCB (tăng 4%).

Nhìn chung trong tháng 5 qua, tâm lý thận trọng trở thành điều tiên quyết đối với nhiều nhà đầu tư, thể hiện qua giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân tiếp tục giảm 3% so với tháng trước, đạt mức 18,8 nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành động lực chính cho sự phục hồi của VN-Index trong tháng 5. Theo đó, nhóm này đã mua ròng 19,93 nghìn tỷ đồng trong tháng 5, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên 40,36 nghìn tỷ đồng.

 Nguồn: MAS

Nguồn: MAS

Sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã thúc đẩy lực cầu lan tỏa đến hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là sự trở lại của các ngành đã từng có giai đoạn “ngủ đông” và đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể là ngành Thực phẩm & Đồ uống (MSN tăng 14% so với tháng 4), Tiện ích (GAS tăng 8,98%; POW tăng 20%), Vận tải (chủ yếu là cổ phiếu ngành hàng không như HVN tăng 61,16% so với tháng trước), Bán lẻ (MWG tăng 15,85%), Dầu khí (PLX tăng 19,34%; PVT tăng 21,53%) và Bảo hiểm (BVH tăng 13,7%).

 Nguồn: MAS

Nguồn: MAS

Lực cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đồng thời phần nào làm lu mờ áp lực bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài với mức bán ròng 15,59 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 (lũy kế giá trị bán ròng từ đầu năm: 35,45 nghìn tỷ đồng).

Ở một khía cạnh khác, các quỹ ETF đã duy trì lập trường rút ròng trong bảy tháng liên tiếp, với tổng lượng rút ròng là -109,6 triệu USD trong tháng 5, nâng mức rút ròng kể từ đầu năm lên -461,2 triệu USD tính đến ngày 31/5.

Nhiều yếu tố hỗ trợ đà tăng điểm của VN-Index tiếp tục vào tháng 6

Trong báo cáo thị trường chứng khoán mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định sau tháng 5 phục hồi, đà tăng điểm của VN-Index có thể sẽ tiếp tục vào tháng 6, với sự hỗ trợ bởi bức tranh tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý I/2024 và mức giá

tương ứng với mức P/E bình quân 10 năm phục hồi lên khoảng 1.320 điểm.

Tuy nhiên, diễn biến có phần chậm rãi và hụt hơi của các cổ phiếu blue-chip đã phần nào làm tăng sự hấp dẫn của các cổ phiếu Midcap trong tháng qua, khi định giá P/E trung bình của nhóm VN70 đang dần nóng trở lại so với mức bình quân trong lịch sử.

Nhóm phân tích MAS chỉ ra một số yếu tố then chốt có thể thúc đẩy đà tăng của thị trường trong tháng 6 này.

Thứ nhất, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đối với một số luật quan trọng: Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 và Luật Các Tổ chức Tín dụng 2024, với đề xuất các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Tuy nhiên, trong khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản được đề xuất thực hiện toàn bộ, Luật Đất đai sẽ có tám điều khoản có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tương tự, Luật Các Tổ chức Tín dụng sẽ chỉ áp dụng sớm đối với khoản 3 của điều 200 và khoản 15 của điều 210.

Nếu được thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, các sửa đổi này có thể tác động tích cực đến ngành bất động sản bằng cách rút ngắn thời gian chờ để giải quyết các trở ngại pháp lý trong phát triển dự án nhà ở cũng như giúp giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp khi có thể linh hoạt trong việc trả tiền thuê và sử dụng đất, qua đó giá nhà cũng có thể sẽ được điều chỉnh và hoạt động kinh doanh cũng được linh động hơn.

Yếu tố thứ hai tác động đến triển vọng TTCK tháng 6 này là việc Giai đoạn lấy ý kiến công chúng (60 ngày từ ngày 21/3/2024) đối với dự thảo luật sửa đổi và bổ sung một số điều luật liên quan đến hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán và hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) đã kết thúc. Các sửa đổi này nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá nâng hạng thị trường về việc hỗ trợ thanh toán (Non Prefunding Solution – NPS) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Cụ thể, dự thảo đề xuất sửa đổi Thông tư 120 để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài) đặt lệnh mua chứng khoán mà không yêu cầu 100% tiền trước. Ngoài ra, Thông tư 119 sẽ được sửa đổi để bổ sung quy định xử lý trường hợp NĐTTCNN sử dụng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền mất khả năng thanh toán thì nghĩa vụ thanh toán của NĐTNN sẽ được chuyển sang CTCK nơi NĐT đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh của CTCK.

Thông tư 121 cũng sẽ được sửa đổi để bổ sung quy định về hoạt động và trách nhiệm của CTCK trong việc giao dịch, thanh toán giao dịch chứng khoán của NĐTNN trong trường hợp CTCK được cung cấp dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền, cũng như quy định về việc áp dụng hạn mức đầu tư của CTCK khi thực hiện dịch vụ này. MAS kỳ vọng dự thảo cuối cùng sẽ được phát hành vào tháng 6 để đáp ứng thời hạn đánh giá nâng cấp thị trường tiếp theo.

Cùng đó, bối cảnh vĩ mô vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, mà thay vào đó thị trường đang dần ấm lên trước thông tin lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4 nhằm mở đường cho đợt cắt lãi suất trong tháng 9. Trong khi đó, lực cầu đã dần ổn định quanh vùng 1.280 điểm và hiện đang sẵn sàng cho những phiên bứt phá trong những tuần tiếp theo của tháng 6.

Tuy nhiên, nhóm phân tích MAS cho rằng vùng giá này đồng thời mang đến những biến động khó lường; đặc biệt là diễn biến giao dịch chưa khả quan tại nhóm cổ phiếu Ngân hàng.

Do đó, MAS kỳ vọng chỉ số VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng của tháng trước nhưng đồng thời nhà đầu tư sẽ cần duy trì tâm thế thận trọng khi áp lực chốt lời có thể sẽ hình thành khi chỉ số sàn HOSE đang dần tiệm cận mức P/E trung bình 10 năm ở khoảng 1.320 – 1.340 điểm.

 Nguồn: MAS

Nguồn: MAS

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ttck-thang-6-mas-du-bao-vn-index-duy-tri-da-tang-ndt-van-can-than-trong-ap-luc-chot-loi.html