Chứng khoán chịu nhiều áp lực khi dòng tiền nhà đầu tư cá nhân rút lui

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán đang chuyển qua trạng thái kém tích cực.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò giữ cân bằng trước sức bán mạnh của khối ngoại. Ảnh: Lê Toàn

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò giữ cân bằng trước sức bán mạnh của khối ngoại. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường có tuần cuối cùng của tháng 6 khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index đã có những phiên giảm sâu cùng thanh khoản kém sôi động. Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 36,7 điểm (-2,86%) xuống mức 1.245,32 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE tuần này giảm so với tuần trước đó khi khối lượng khớp lệnh giảm 8,8%, tổng giá trị giảm 5,6%, tương ứng đạt 110.203 tỉ đồng.

Đáng chú ý vào ngày 28.6 vừa qua, VN-Index đã có phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2024 với diễn biến tiêu cực. Áp lực bán gia tăng mạnh cuối phiên đã khiến VN-Index không giữ được vùng giá hỗ trợ tâm lý quan trọng quanh 1.250 điểm. Điều này khiến xu hướng ngắn hạn của thị trường đang chuyển qua trạng thái kém tích cực.

Nhà đầu tư ngoại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi tiếp tục bán ròng gần 4.500 tỉ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 6. Ở tuần giao dịch từ ngày 24-28.6 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 118,78 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 4,4 nghìn tỉ đồng. Tổng cộng cả tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 436,69 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt gần 16,8 nghìn tỉ đồng, chỉ thua tháng kỷ lục vừa được thiết lập vào tháng 5 khi bán ròng hơn 19 nghìn tỉ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài thường đóng góp khoảng 10% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó việc khối ngoại bán ròng kỷ lục chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường. Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 17,5%, giảm khoảng 0,75% so với thời điểm cuối năm 2023.

Tuy nhiên, thời gian qua nhờ dòng vốn dồi dào của nhà đầu tư cá nhân trong nước, đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng cho rằng, nếu môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì sẽ là yếu tố quan trọng giúp dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, hấp thụ được lượng bán ròng của khối ngoại nếu hoạt động rút vốn còn tiếp diễn.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital kỳ vọng, áp lực rút vốn của khối ngoại sẽ giảm trong nửa sau của năm 2024 và năm 2025 khi tỉ giá hạ nhiệt theo lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Tích cực hơn, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại nếu có những bước tiến rõ rệt hơn cho tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia của TPS Research vừa có báo cáo phân tích, trong đó đưa ra quan điểm sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ dòng tiền trong thời gian tới. Dự kiến lượng vốn vay margin nửa cuối 2024 sẽ tăng lên đáng kể khi hàng loạt các công ty chứng khoán đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong 2024 cho thấy, dư địa cho vay margin thời gian tới còn rất lớn và hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia của TPS Research nhận định, nửa cuối 2024 sẽ là giai đoạn tiền đề cho xu hướng tăng của thị trường từ câu chuyện nâng hạng đang sáng hơn khi trong báo cáo đánh giá của MSCI tháng 6.2024 cho thấy Việt Nam đã cải thiện được tiêu chí khả năng chuyển nhượng, hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9.2024, củng cố cho khả năng nâng hạng. Đặc biệt, các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản,... có hiệu lực từ quý III/2024 sẽ tạo động lực tăng điểm cho thị trường chứng khoán.

Theo Báo Lao Động

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-chiu-nhieu-ap-luc-khi-dong-tien-nha-dau-tu-ca-nhan-rut-lui.html