TTĐ miền Đông 2: ứng dụng công nghệ số, khoa học công nghệ trong vận hành
Truyền tải điện miền Đông 2 đã ứng dụng tiến bộ khoa học và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào trong quản lý vận hành lưới điện
Hiện nay việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong quản lý vận hành lưới điện đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh với các nền tảng ứng dụng liên tục được giới thiệu và áp dụng vào trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành điện là một ngành công nghiệp mũi nhọn, tiên phong tạo tiền đề cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa, yếu tố ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò chủ đạo.
Không nằm ngoài xu thế đó, grong những năm qua, Truyền tải điện miền Đông 2 (TTĐMĐ2) đã ứng dụng tiến bộ khoa học và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào trong quản lý vận hành lưới điện, xem công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành, tăng năng suất lao động.
Quy mô lưới điện TTĐMĐ2 đang quản lý đi qua 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh với 23 tuyến đường dây (trong đó có 6 tuyến ĐD 500kV và 17 tuyến ĐD 220kV) tổng cộng 1.418,277km đường dây, gồm 541,873 km đường dây 500kV và 876,404km đường dây 220kV; tổng cộng 12 trạm biến áp, gồm 09 trạm biến áp 220kV và 03 trạm biến áp 500kV, với tổng dung lượng MBA là 10.502 MVA, sản lượng điện truyền tải thực hiện hàng năm đạt từ 18 tỷ đến 19 tỷ kWh.
Các tuyến đường dây đi qua nhiều địa hình phức tạp, khó khăn; thời tiết ngày càng diễn biến xấu; các hoạt động vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn phổ biến như xây dựng các công trình, canh tác cây công nghiệp, thả diều… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.
Hành lang đường dây trải dài qua mọi địa hình và các vùng miền khác nhau, do văn hóa, nhận thức và hiểu biết của người dân cũng khác nhau nên các hành vi vi phạm hành lang gây sự cố đường dây vẫn xảy ra như chặt cây ngoài hành lang nguy cơ gây đổ vào đường dây, đào lấy đất xâm lấn vị trí móng cột, mở đường đi dưới hành lang, tập kết xe tải cẩu, cẩu hàng, thả diều, bắn chim, trồng hoa màu dưới hành lang, trồng trụ biển quảng cáo gần khu vực hành lang…
Ngày 1/4/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 538 phê duyệt Chiến lược phát triển Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó có hướng tới các mục tiêu: Nâng cao năng lực của Hệ thống Truyền tải điện, hạn chế sự cố; Hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành, ứng dụng công nghệ thông minh, ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Chiến lược này sẽ càng tạo thêm điều kiện và môi trường cho việc ứng dụng công nghệ mới cho lưới truyền tải điện.
Trong 09 tháng đầu năm 2021, đơn vị có 12 sáng kiến cải tiến kỹ thuật ( 04 sáng kiến đã được công nhận và 08 sáng kiến đã gửi Tổng Công ty công nhận) hiện nay tất cả các sáng kiến đã đưa vào áp dụng trong quản lý vận hành lưới điện. Do đó cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác quản lý vận hành rút ngắn thời gian cắt điện, giải quyết công việc, giảm tổn thất điện năng như Chương trình hỗ trợ viết phiếu thao tác PTT_Tool rút ngắn thời gian biên soạn và trình bày phiếu thao tác, hạn chế sai sót trong phiếu thao tác, Giải pháp ứng dụng IoT xây dựng hệ thống chống trộm trèo lên trụ điện tháo, lấy cắp vật tư, thiết bị và camera bằng thiết bị cảm biến gửi cảnh báo từ xa (tín hiệu tin nhắn và cuộc gọi tự động gửi đến Smartphone nhanh, đạt hiệu quả cao). Gia công vật tư (thu hồi) cho bộ phụ kiện chống sét van loại chuỗi néo đơn, néo kép để lắp đặt cho chuỗi sứ đỡ đơn đường dây 220kV làm giảm nhân công cho việc lắp đặt chống sét van trong thời gian chờ có chống sét van phù hợp với chuỗi đỡ của đường dây. Thiết kế, gắn thiết bị phun lửa có trọng lượng nhỏ vào flycam loại nhỏ phổ thông Mavic 2 Pro để đốt vật bay vướng vào đường dây truyền tải điện không phải thực hiện cát điện đường dây để xử lý gỡ diều. Xe điện đi dây để phục vụ trong công việc kiểm tra, sửa chữa trên dây dẫn của đường dây truyền tải điện giúp công tác nghiệm thu dây, xử lý tưa dây dẫn và dây chống sét vừa thuận lợi vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Có thể nói hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong TTĐMĐ2 đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả cao về nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong quản lý vận hành đường dây, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo lưới truyền tải vận hành an toàn, tin cậy, ổn định, nâng cao năng suất lao động…, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật Công ty giao.