Từ 0 đến I: Bước nhảy vọt! (Bài 3)

BPO - Với lợi thế, tiềm năng rất lớn về hạ tầng công nghệ thông tin bao phủ toàn tỉnh, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh và tinh thần sẵn sàng của người dân... là những tiền đề quan trọng để Bình Phước chuyển từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, song hành là kinh tế số và xã hội số.

CHÍNH QUYỀN SỐ - BỆ PHÓNG CHO KINH TẾ SỐ

Thành công từ Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2018 về xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2018-2020 cùng với chương trình cải cách hành chính nhà nước tổng thể giai đoạn 2011-2020, đến nay hệ thống kết nối hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển mạnh mẽ. Để tạo bước đột phá, tỉnh xác định tiếp tục xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đầu tư phù hợp gắn với hiệu quả sau đầu tư để chuyển từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, làm động lực thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Khát vọng chính quyền số

Xác định được vị trí và tầm quan trọng của chuyển đổi số, năm 2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây vừa là cơ sở pháp lý, vừa là định hướng chỉ đạo thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện chương trình này, Bình Phước cụ thể hóa bằng nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đang tích hợp 10 lĩnh vực, giúp lãnh đạo tỉnh điều hành hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu số

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đang tích hợp 10 lĩnh vực, giúp lãnh đạo tỉnh điều hành hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu số

Trong từng lộ trình, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số của tỉnh đều nhất quán lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trên cơ sở nền tảng cần thiết cho chủ trương xây dựng chính quyền số, tỉnh đang triển khai theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành chính quyền số như: ban hành kiến trúc dịch vụ viễn thông (ICT) phát triển địa phương thông minh, phê duyệt đề án xây dựng địa phương thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0, thay cho phiên bản 1.0, giúp tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc; triển khai dịch vụ mạng 4G, 5G nhằm hiện thực hóa chủ trương “Hạ tầng viễn thông phải đi trước một bước và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của chính quyền số đến nền kinh tế số” của tỉnh và đặc biệt phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Trong phát triển hạ tầng chính quyền số, tỉnh sẽ tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty có uy tín, năng lực trong lĩnh vực CNTT để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm. Đồng thời, xây dựng quy định bắt buộc các hoạt động cơ quan nhà nước đều thực hiện trên môi trường mạng, 100% văn bản đều phải ký số, chấm dứt lưu hành văn bản giấy (trừ văn bản mật).

Ông Nguyễn Minh Quang,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Kinh tế số làm đầu tàu

Thời gian qua, Bình Phước đã chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên tất cả lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, doanh nghiệp… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số. Mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, hiện đại, phát triển kinh tế năng động dựa trên khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao với kinh tế số chiếm 20% GRDP. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT và ICT; các hoạt động kinh tế số nền tảng trên mạng internet, kinh tế số ngành.

Sản phẩm than gáo dừa của công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu sang châu Âu, các nước Trung Đông và một số quốc gia khác. Chúng tôi nhận thấy rằng các đối tác nước ngoài cũng ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp cung ứng sản phẩm có nhà máy chuyển đổi số. Hiện công ty đã đăng ký nền tảng chuyển đổi số để số hóa từng phần, tiến tới số hóa toàn bộ hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của công ty. Chuyển đổi số được xem là công cụ để khách hàng tin tưởng đặt hàng nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng,
sáng lập Công ty Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước

Bình Phước hiện có 8.900 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tỷ lệ đóng góp 40% tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2020, cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị thế rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, doanh nghiệp phải xác định chuyển đổi số là yếu tố sống còn để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, nếu không thay đổi nhận thức sẽ đánh mất cơ hội và bị tụt lại phía sau.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, đầu tư công nghệ để tinh giản công nhân, nâng cao năng lực sản xuất là hướng đi lâu dài của doanh nghiệp. Như tại Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình chi nhánh 2, nhà máy Đồng Xoài, chuyên sản xuất giày da xuất đi các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này là xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp. “Nếu không tiếp cận với công nghệ số thì nhà máy sẽ đi thụt lùi và lạc hậu. Vì vậy, hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của doanh nghiệp đã thay thế vị trí của 30% công nhân lao động thủ công. Sắp tới, công ty sẽ áp dụng công nghệ vào tất cả quy trình sản xuất theo tiêu chí 9:1, nghĩa là 9 tự động và 1 bán tự động” - ông Trần Duy Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình chi nhánh 2, nhà máy Đồng Xoài tiết lộ.

Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp muốn phát triển, thích ứng được trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, bắt buộc phải chuyển đổi số. Đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư dòng ngân sách hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng đến nền kinh tế số trong tương lai.

Bà Trần Tuyết Minh,
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh

Đại dịch Covid-19 được ví như một cú hích lớn cho các chương trình chuyển đổi số, đặt nhiều doanh nghiệp vào thế phải tập trung cho quá trình chuyển đổi số càng nhanh càng tốt để thích nghi với thực tiễn, góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền kinh tế số của tỉnh. Thuận lợi là hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giải pháp, nền tảng chuyển đổi số để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với nhu cầu, quy mô, ngành nghề kinh doanh của mình.

Ngân Hà - Thanh Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127200/tu-0-den-i-buoc-nhay-vot-bai-3