Từ 01/7/2024: Tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, 15% cho người nghỉ hưu
Thông tin tại cuộc họp báo chiều 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngày 19/6, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng
Đề cập đến điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 01/7/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Căn cứ vào kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương theo “lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi”.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đây là những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng. Những vấn đề này phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở.
Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 01/7/2024 với ba nội dung.
Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27, mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là 30%.
Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) .
Hai là, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.
Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ba là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.
Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ, từ ngày 01/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Phương án tốt nhất, không ai bị bỏ lại phía sau
Phân tích về điều chỉnh tăng lương lần này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá các phương án trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới).
Mặt tích cực của phương án này, theo Bộ trưởng, là tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội.
Cụ thể, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của Đảng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc này sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
“Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Việc tăng lương cơ sở cũng giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.
Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% nêu trên góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Phương án này cũng bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 – 2026. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là hơn 900 nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, sẽ bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan đơn vị thưởng đột xuất và thưởng thành tích hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức...
Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp xã hội hiện hưởng
Chính phủ cũng đề xuất từ ngày 01/7/2024 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng.
Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức, viên chức ); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.
Cạnh đó, điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27 (nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới) bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở; báo cáo cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa tích cực trong đời sống và ngăn chặn được tình trạng lạm phát, tăng giá hàng hóa, dịch vụ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có các "kịch bản" kiềm chế lạm phát, các cơ quan báo chí cần vào cuộc để chống lại tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Trả lời các câu hỏi của các phóng viên về bản mô tả vị trí việc làm đã được thực hiện đến đâu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cho đến thời điểm hiện nay tất cả các bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành, còn khối đoàn thể vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, chất lượng chưa đáp ứng được như mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung để đảm bảo chất lượng hơn.