Từ 1/1/2024: Những chính sách ảnh hưởng đến ví tiền người mua ô tô, xe máy
Từ đầu năm 2024, một số chính sách thuế, phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng ô tô, xe máy. Trong đó, đáng chú ý nhất là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước của Chính phủ hết hiệu lực, trở về mức cũ.
Lệ phí trước bạ ô tô trở về mức cũ
Từ 1/1/2024, chính sách ưu đãi của Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước hết hiệu lực. Mức lệ phí này quay trở lại như cũ, theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của HÐND hoặc quyết định hiện hành của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện, lệ phí trước bạ cho ô tô mới dưới 9 chỗ ngồi tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh là 12%, tại Hà Tĩnh là 11%, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác là 10%.
Trước đó, thị trường ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nửa cuối năm 2023 đã được hưởng lợi lớn nhờ chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023.
Đây là đợt giảm lệ phí trước bạ thứ 3 kể từ năm 2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đồng thời kích cầu thị trường sau đại dịch Covid-19.
Như vậy, từ đầu năm 2024, giá lăn bánh của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tăng trở lại về đúng mức quy định. Với các mẫu xe giá rẻ phổ thông giá từ 450-600 triệu đồng, chi phí lăn bánh sẽ tăng trở lại từ 50-60 triệu đồng. Với các mẫu xe sang tiền tỷ, phí lăn bánh sẽ tăng từ 100 triệu đồng.
Xe máy điện, xe máy xăng dưới 125cc được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Ngày 28/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo đó, từ 1/1 đến 30/6/2024, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% được giảm 2%, xuống còn 8%; trừ một số loại hàng hóa, dịch vụ.
Trong nhóm ngành ô tô, xe máy, các loại xe không phải đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì sẽ thuộc nhóm hàng được giảm 2% thuế GTGT.
Các loại xe máy điện, xe máy chạy xăng phân khối dưới 125cc là một trong những đối tượng được hưởng thuế GTGT ở mức 8% thay vì 10% như trước đây.
Bên cạnh đó, các loại xe ô tô trên 24 chỗ ngồi, xe chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông cũng nằm trong diện được giảm thuế.
Quy định thu phí sử dụng đường bộ
Ngày 13/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Thời gian có hiệu lực bắt đầu từ 1/2/2024.
Tuy nhiên, các nội dung về mức thu phí, phương pháp thu và nộp phí... gần như không thay đổi, về cơ bản kế thừa nguyên gốc từ quy định trước đó. Phí sử dụng đường bộ được nộp theo chu kỳ kiểm định cho đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Theo Nghị định 90, biểu phí sử dụng đường bộ không thay đổi so với năm 2023. Ô tô con chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh có mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/tháng.
Từ năm thứ 2, mức thu phí sử dụng đường bộ sẽ được giảm dần. Cụ thể, mức thu trong năm thứ 2 bằng 92% năm đầu tiên, năm thứ 3 bằng 85% năm đầu tiên.
Như vậy, chủ xe hoặc các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải nộp phí sử dụng đường bộ với chu kỳ càng dài sẽ càng được lợi.