Từ 1-1, tăng nặng mức xử phạt với nhiều vi phạm giao thông phổ biến

Từ hôm nay 1-1-2022, một số quy định quan trọng tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng sẽ chính thức có hiệu lực.

Từ 1-1, sẽ tăng nặng mức xử phạt với nhiều vi phạm giao thông phổ biến

Sử dụng giấy phép lái xe hết hạn

Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng. Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 10-12 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên.

Che biển số xe ô tô, xe máy

Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng khi:

Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc).

Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định, gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp…

Không đội mũ bảo hiểm

Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng nếu không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

Đón trả khách, hàng hóa sai quy định

Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng tăng mức phạt gấp đôi đối với hành vi xe ô tô chở hành khách, xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-12 triệu đồng được áp dụng với người điều khiển xe có hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc; Nhận, trả hàng trên đường cao tốc.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Bán, sản xuất biển số xe trái phép

Đặc biệt, Nghị định tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép. Theo đó, cá nhân có hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị phạt từ 30-35 triệu. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi, từ 60-70 triệu đồng.

Đua xe trái phép

Khoản 19 Điều 2 Nghị định này cũng tăng mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép. Cụ thể, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép (trước đó mức phạt tiền với hành vi này chỉ từ 8-10 triệu đồng).

Trung Kiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-1-1-tang-nang-muc-xu-phat-voi-nhieu-vi-pham-giao-thong-pho-bien-274298-274298.html